Sớm chủ động nguồn tôm giống

Monday,
12/02/2018
0

Khi ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là ngành tôm với sự phát triển “nóng” như thời gian qua thì công tác cung cấp nguồn giống chất lượng được đặt lên hàng đầu.


Vẫn lệ thuộc

Để đáp ứng nhu cầu nuôi tôm nước lợ, mỗi năm cả nước cần khoảng 130 tỷ con tôm giống; trong đó tôm sú 30 tỷ con, tôm thẻ chân trắng (TTCT) 100 tỷ con. Tuy số lượng sản xuất đủ nhưng mấu chốt đối với tôm nước lợ là nguồn tôm bố mẹ chưa chủ động được, nhất là TTCT bố mẹ 100% phải nhập khẩu, còn tôm sú bố mẹ khai thác tự nhiên vẫn chiếm 80%. Việc phụ thuộc vào khai thác tự nhiên cũng như nhập khẩu đều có những bất lợi, vì sẽ không chủ động được và nguồn cung hạn chế. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập 284.000 tôm bố mẹ từ Mỹ, Singapore, Indonesia, Thái Lan. Điều đáng lo ngại chính là chất lượng tôm nhập khẩu chưa thực đảm bảo, bởi có những nhà cung cấp chỉ cung cấp những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Với nguồn tôm bố mẹ từ tự nhiên thì tỷ lệ sạch bệnh rất thấp, dẫn đến nguy cơ tôm giống không sạch bệnh.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-con-tom-1053-.jpg

Hiện, cả nước có 583 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng giống - Ảnh: Nam Anh
 

Theo ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, nhu cầu tôm giống của tỉnh này mỗi năm 500 - 600 triệu con; trong đó tôm sú 220 - 250 triệu con, TCTT 300 - 350 triệu con. Để đáp ứng được nhu cầu tôm giống, Bộ NN&PTNT cần quan tâm và tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu giống cho các Trung tâm cấp tỉnh, cả về thiết bị và nhân lực; Phát huy vai trò của hệ thống khuyến nông và hợp tác xã trong sản xuất giống; Liên kết các đơn vị khoa học chuyển giao khoa học công nghệ, quy trình sản xuất giống cho các đơn vị, địa phương…

 

Thu hút cộng đồng doanh nghiệp

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, sản xuất và thương mại giống từng bước được xã hội hóa và thể hiện rõ vai trò của doanh nghiệp. Các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thời gian qua được thành lập theo quy định hiện hành, hoạt động bình đẳng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay FDI.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Việt-Úc, đơn vị đi đầu nghiên cứu sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ tại Việt Nam cho biết, Việt-Úc đã mạnh dạn đầu tư, liên kết với Viện CSIRO (Australia) thực hiện chương trình “Phát triển tôm bố mẹ thẻ chân trắng tại Việt Nam” dựa trên công nghệ tiên tiến của CSIRO. Dự kiến, cuối năm nay, Chương trình sẽ kết thúc giai đoạn thử nghiệm, chờ được vào danh mục giống mới 2015. Với hy vọng thay đổi bản đồ tôm trên thế giới, ghi dấu ấn đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nước có thể cung cấp tôm thẻ chân trắng bố mẹ, chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất. Theo đó, Công ty mong muốn Nhà nước xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong cả nước.

Công tác sản xuất giống trong nước vẫn còn bấp cập khi quá trình chuyển giao giống mới vào sản xuất còn thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu với các đơn vị sản xuất giống, nhất là doanh nghiệp. Trên thực tế, doanh nghiệp là cầu nối tiếp nhận giống mới từ các viện nghiên cứu để sản xuất giống thương phẩm cung cấp cho sản xuất đại trà, nhưng thời gian vừa qua liên kết này còn thiếu chặt chẽ. Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao giống mới vào sản xuất chưa được phát huy, mặc dù, hiện nay doanh nghiệp là lực lượng chủ lực cung cấp giống cho sản xuất. Công tác quản lý nhà nước về giống còn nhiều bất cập.

 

Hướng tới giảm chi phí

Để chủ động hơn nữa việc cung ứng nguồn tôm giống chất lượng, sạch bệnh cho người nuôi, giảm việc nhập khẩu, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống; Nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở giống ở trung ương, địa phương theo hướng đồng bộ, hiệu quả; Tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng giống ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến lưu thông. Mặt khác, tiếp tục dành ngân sách Nhà nước, tín dụng ưu đãi, tín dụng thương mại đầu tư theo cơ cấu và cơ chế vốn, nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình… tham gia nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu sản xuất giống; các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp, liên kết với các nhà khoa học để triển khai áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống; có những đề xuất sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, giúp doanh nghiệp có nhiều điều kiện tham gia ngày càng hiệu quả hơn.

>> Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 2.305 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.722 cơ sở sản xuất tôm sú, 583 cơ sở sản xuất TTCT.


Theo Thủy sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: