Stress Nitrite cấp tính ở tôm nuôi

Thursday,
21/11/2019
0

Cùng với amonia, nitrite là hợp chất nitrogen gây độc đối với động vật thủy sản, trong đó có tôm nuôi.

Nuôi tôm thâm canh đang phát triển nhanh chóng ở các nước Châu Á trong suốt nhiều thập niên qua. Nghề nuôi tôm không chỉ góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho các nước mà còn có tác động tích cực đến vấn đề kinh tế xã hội, cải thiện đời sống cho người nuôi thủy sản. Việc thâm canh hóa nghề nuôi tôm đã tạo ra nhiều vấn đề về môi trường như sự tự ô nhiễm, mất cân đối sinh thái vùng ven biển (Macintosh and Phillip, 1992). Nhiễm bệnh là nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề nhất cho nghề nuôi tôm (FAO, 2003). Khi gia tăng diện tích và sản lượng nuôi tôm thâm canh thì vấn đề ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là sự tích tụ các khí độc, trong đó có nitrite trong ao nuôi sẽ ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý, sinh hóa và tăng trưởng của tôm.

Nguồn gốc của Nitrite (NO2) trong ao nuôi tôm

Thức ăn được tôm sử dụng trực tiếp chỉ chiếm 10-30% Phospho và 20- 40% Nitrogen từ thức ăn cho vào, phần còn lại hoà tan vào môi trường và tham gia vào quá trình chuyển hóa vật chất trong thủy vực, trong điều kiện yếm khí được vi khuẩn phân hủy thành những chất gây độc cho ao nuôi và nguồn nước xung quanh. Bên cạnh đó, quá trình bài tiết của tôm cũng góp phần làm tăng hàm lượng NO2 trong nước.

Những tác hại của NO2 trong ao nuôi tôm

Một tác hại phổ biến khác là gây rối loạn cân bằng áp suất thẩm thấu (ở những ao nuôi có độ mặn thấp) do Nitrite cạnh tranh với ion Cl-. Tôm bị nhiễm NO2 có các dấu hiệu như: lột xác không cứng vỏ, tôm chậm lớn, bị tổn thương mang và phù thủng cơ. Hàm lượng NO2 trong ao quá cao, tôm có thể chết hàng loạt hoặc rải rác vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối. 

Nghiên cứu của Li et al., 2019 tại trường đại học Ocean, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của độc tố Nitrite đến quá trình tăng trưởng và chuyển hóa năng lượng trên tôm thẻ chân trắng.

Bố trí thí nghiệm 

Nghiên cứu tiến hành với các nồng độ nitrite: 0 (đối chứng), 3,3 (46,2 NO2-N mg / L), 6,6 (92,4) và 9,9 mM (138,6) đã được sử dụng để đánh giá các phản ứng của mức độ hemocyanin và chuyển hóa năng lượng của tôm thẻ chân trắng (5,80 ± 0,44 cm, 1,88 ± 0,38 g) trong 96 giờ.

Kết quả

Tôm có tỉ lệ chết cao nhất 50% ở nghiệm thức số 4 ở mức 9,9 mM NO2, 40% ở mức 6,6 mM, 30% ở mức 3,3 mM và 10% ở mức 0 mM vào lúc 96 giờ sau khi thí nghiệm. 

Khi tiếp xúc với nitrite tôm có biểu hiện bị stress đồng thời làm giảm đáng kể hàm lượng oxyhemocyanin từ 24 đến 96 giờ, tương ứng nồng độ glucose và lactate trong máu cao hơn so với nhóm đối chứng từ 12 đến 96 giờ.

So với nhóm đối chứng, tôm trong các nhóm tiếp xúc với nitrite có nồng độ glycogen trong gan tụy giảm và nồng độ triglyceride trong các nhóm này đều cao hơn so với nhóm đối chứng, đồng thời hoạt tính hexokinase trong gan tụy và cơ tăng lên. Ngoài ra, stress nitrite làm giảm quá trình tổng hợp acid béo.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng khi tôm tiếp xúc với nitrite cấp tính sẻ tích lũy nitrite trong máu và sau đó làm giảm quá trình vận chuyển oxy và tổng hợp hemocyanin, dẫn đến thiếu oxy ở các mô. Tác động của stress nitrite lên quá trình tổng hợp hemocyanin và chuyển hóa năng lượng có thể là một trong những lý do gây chết tôm trong hệ thống nuôi.

Nitrite là một chất độc hại phổ biến trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản, NO2 kết hợp với Hemocyanin trong máu tôm làm mất khả năng vận chuyển oxy trong máu từ đó khiến tôm nuôi bị ngạt. Khi tôm bị ngạt mãn tính sẽ yếu, dễ mắc bệnh hoặc chết khi sốc môi trường. Do đó, để hạn chế phát sinh khí độc NO2 bà con cần có biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu vụ bằng cách cải tạo ao nuôi một cách hoàn chỉnh, loại bỏ chất cặn bã hoàn toàn trước khi bắt đầu vụ mới. Đồng thời quản lí thức ăn tốt, tránh tình trạng dư thừa đồng thời cung cấp đủ oxy cho ao nuôi.

Theo Li ZS, Ma S, Shan CT, Wang T và Xiao W.

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: