Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản với mục tiêu là duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.
Đề án này được kỳ vọng là sẽ giúp cải thiện cơ bản những bất cập của ngành thủy sản trong thời gian qua với hàng loạt các giải pháp như tập trung sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp hạ tầng vùng nuôi, liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm.
Bất cập do sự tăng trưởng “nóng”
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2013 được đánh dấu là năm phục hồi đối với nghề sản xuất tôm nước lợ, với các thắng lợi như được mùa, được giá và kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là đối với sản phẩm tôm thẻ chân trắng.
Ước tính từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt 652.612ha, bằng 99,2% cùng kỳ năm 2012; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 588.894ha, tôm thẻ chân trắng 63.719ha. Sản lượng thu hoạch là 475.854 tấn (sản lượng tôm sú là 232.853 tấn, tôm thẻ chân trắng là 243.001 tấn). Giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so cùng kỳ 2012 và chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tôm nuôi vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại.
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng Thủy sản (Tổng Cục Thủy sản) cho biết, tình trạng tôm chết vẫn còn nhiều. Chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên bị dịch bệnh là 2.304ha/68.099 ha (bằng 10,4% so với diện tích nuôi tôm bị bệnh của cả nước), chủ yếu do bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Quý cho biết, tôm chết là do thời tiết bất ổn, mưa bão, lũ lụt thường xuyên, chất lượng con giống, thức ăn không đảm bảo… Đặc biệt là do môi trường nuôi không tốt, hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển "nóng” của ngành dẫn đến môi trường nuôi dễ bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc các hộ nuôi không theo quy hoạch, cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm lan rộng, dịch bệnh gia tăng.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều đã có quy hoạch nhưng các quy hoạch này mới chỉ tồn tại trên giấy và trong báo cáo thành tích của các cấp , các ngành. Đến nay, chưa có và còn thiếu cơ chế để thực hiện và chế tài kiểm soát quy hoạch đó. Do không có quy hoạch nên dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá” và “được giá, mất mùa” đồng thời khi quy hoạch chưa được thực hiện thì cũng chưa có được hệ thống thủy lợi khiến cho các vùng nuôi dễ lây lan dịch bệnh.
Ông Huỳnh Tấn Minh, một hộ nuôi tôm ở Khánh Hòa cho biết, trước mỗi vụ nuôi các ao đầm đều được làm vệ sinh nhưng không biết làm sao, sau khi thả giống được một thời gian, tôm vẫn cứ lăn ra chết.
Ông Minh nhấn mạnh, bất cập nhất là do ô nhiễm môi trường nuôi, chất thải của nhiều hộ nuôi đã xả thẳng ra môi trường chung, sau đó các hồ nuôi khác lại dẫn nước vào.
Theo các nhà khoa học, chính quy hoạch của nhiều vùng nuôi tôm còn nhiều bất cập khiến cho ô nhiễm ngày càng lan rộng. Ngoài những bất cập trên, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản còn chỉ ra, một điểm thiếu bền vững khác là khâu quản lý đối với con giống thủy sản. Theo đó, các hộ sản xuất giống vẫn còn đối phó với việc kiểm tra, kiểm soát. Vẫn đưa con giống không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Trước tình trạng tăng trưởng “nóng” của ngành thủy sản đã gây ra nhiều hệ lụy, các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, đề án tái cơ cấu ngành thủy sản đã được đưa ra ở thời điểm hết sức phù hợp. Đây là cơ hội lớn để ngành thủy sản sửa chữa những bất cập từ bấy lâu nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn, liệu đề án có thay đổi được những bất cập hiện nay của ngành?
Hướng đến phát triển bền vững
Theo mục tiêu của đề án, ngành thủy sản phấn đấu đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 2,4-2,6 triệu tấn/năm (bao gồm sản lượng khai thác nội địa đạt 0,2 triệu tấn, sản lượng khai thác hải sản 2,2-2,4 triệu tấn). Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 11%/năm, tăng tỷ trọng thủy sản trong giá trị sản xuất toàn ngành 33%.
Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, ngành thủy sản phải thực hiện đồng bộ 7 giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế.
Cùng những giải pháp cơ bản của Bộ trưởng đưa ra, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng yêu cầu cụ thể, tới đây, Tổng cục Thủy sản cần tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao và quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi.
Tổng cục Thủy sản cần chủ trì phối hợp với Tổng cục Thủy lợi để quy hoạch những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: đối với tôm và cá tra đồng thời chủ trì và chủ động đề xuất giải pháp để đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, không chỉ đối với khâu nuôi trồng thủy sản, trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ kết hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổng điều tra và sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến theo hướng tập trung ở các cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và dễ quản lý.
Bên cạnh đó, ngành cần có lộ trình quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản cho phù hợp với từng vùng sản xuất nguyên liệu, từng thị trường và vùng miền đất nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) băn khoăn, từ trước đến nay, chưa có quy chế để xử lý việc vi phạm quy hoạch nên có nhiều quy hoạch dù đã được xây dựng nhưng không thu lại kết quả cao.
Để quy hoạch và quản lý vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn thực phẩm, ông Dũng cho rằng, phải có đồng thuận của các tỉnh trong việc thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, cần tiến hành việc hỗ trợ nghiên cứu thị trường đối với các đối tượng nuôi tiềm năng.
Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản sẽ cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Thí điểm, nhân rộng mô hình người nuôi, người cung ứng vật tư và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng góp cổ phần nhằm tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, ngành cần tư duy theo chuỗi giá trị mới có thể nâng cao giá trị gia tăng. Bởi nếu không thiết lập được chuỗi này, thắng lợi về sản lượng của người nông dân sẽ là thất bại ở giá trị họ thu được. Ngược lại, việc thiết lập được chuỗi liên kết này sẽ tạo cơ sở để các bên liên quan thảo luận, thương lượng về cơ chế lợi nhuận.
Theo kỳ vọng của nhiều chuyên gia ngành thủy sản, nếu mọi việc tiến hành suôn sẻ theo đúng kế hoạch và lộ trình đề ra, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có một ngành chế biến thủy sản phát triển bền vững. Sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, giá thành giảm, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm./.
TTXVN/Vietnam+