Nhật Bản duy trì là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019, chiếm 19,7% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Ba tháng đầu năm nay, Nhật Bản là thị trường duy nhất trong số các thị trường NK chính tôm Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương. XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ tốt cộng với những lợi thế từ các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tháng 3/2019, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt trên 54 triệu USD, tăng 4,3% so với tháng 3/2018. Quý đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 121,7 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản là thị trường duy nhất trong top 8 thị trường NK tôm chính của Việt Nam tăng NK tôm từ Việt Nam trong quý đầu năm nay. Quý II năm nay, dự kiến XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng khoảng 5% đạt khoảng 297,9 triệu USD.
Việt Nam XK chủ yếu sang Nhật Bản các sản phẩm tôm như tôm thẻ chân trắng bóc vỏ, bỏ đầu, bỏ đuôi, luộc đông lạnh (HS 16052990), Tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, tẩm bột đông lạnh size TR-20, TR-30, TR-40, KF-41, 10 Y-20B (HS 16052930), Tôm thẻ Nobashi đông lạnh (HS 03061721), Tôm chân trắng PD đông lạnh 21/25, 31/40, 51/60, 61/70 (HS 03061722). Tháng 3/2019, giá các sản phẩm tôm mã HS 16052990 XK từ Việt Nam sang Nhật Bản dao động từ 8,2-11,9 USD/kg, giá sản phẩm tôm mã HS 16052930 dao động từ 5,9-7 USD/kg.
Việt Nam là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này. Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản nhờ những lợi thế so với các nguồn cung khác trên thị trường Nhật Bản. Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 đã giúp tạo điều kiện thuận lợi về thuế quan cho XK thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản.
Theo cam kết của Nhật Bản đối với Việt Nam trong VJEPA, kể từ 1/4/2019, các sản phẩm tôm mã HS 030617 NK vào Nhật Bản từ Việt Nam sẽ được miễn thuế. Các sản phẩm tôm chế biến được miễn thuế khi NK vào Nhật Bản từ Việt Nam kể từ 1/4/2019 gồm các mã HS 160521011 (tôm luộc, ướp lạnh, đông lạnh, không đóng túi kín khí), 160521019, 160521029, 160529010, 160529029.
Bên cạnh các Hiệp định FTA Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019 cũng sẽ một lần nữa giúp cho tôm Việt Nam gia tăng lợi thế tại thị trường này. Theo các cam kết của Nhật Bản tại CPTPP, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Doanh nghiệp cần khai thác các ưu đãi do các FTA với Nhật Bản mang lại, trong đó bám sát các lộ trình cắt giảm thuế quan đối với hàng XK chủ lực của Việt Nam vào Nhật Bản; đồng thời khắc phục những rào cản về kỹ thuật cũng như tuân thủ các quy tắc của các Hiệp định này.
Do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển, các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến, trong năm 2019, sản phẩm tôm chế biến sâu lưu thông vào Nhật Bản sẽ tăng trưởng hơn 10% so với năm 2018.
Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản. Trong những tháng đầu năm nay, NK tôm vào Nhật Bản từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia giảm trong khi NK từ Ấn Độ tăng nhẹ. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với Ấn Độ trên thị trường Nhật Bản.
Ấn Độ dự định tập trung đẩy mạnh nuôi tôm sú truyền thống tại Tây Bengal, Kerala và Karnataka nhằm đẩy mạnh thương mại tôm sang thị trường Nhật Bản, đặc biệt trong Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 - sự kiện được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản tại Nhật Bản.
Nguồn: VASEP