Tận dụng lợi thế từ lũ

Monday,
12/02/2018
0

Mấy tháng mùa lũ, bên cạnh việc khai thác tự nhiên, người dân ĐBSCL đã phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình cá nước ngọt, tôm càng xanh trên ruộng lúa hay hình thức nuôi công nghiệp rất hứa hẹn.


Nhiều giá trị

Cứ vào tháng 7 âm lịch, khi lũ bắt đầu tràn về, người dân vùng lũ tất bật cho các mô hình kinh tế trọng điểm

Điển hình là mô hình nuôi tôm càng xanh của hộ anh Trần Công Tạo, ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Năm 2013, từ 10 ha nuôi, số lượng 1,7 triệu post, sau khu lũ rút anh thu hoạch 15 tấn tôm càng xanh thương phẩm loại 40 - 45 con/kg, giá bán 160 - 165 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí còn lãi trên 800 triệu đồng. Năm 2014, anh thả nuôi 2,4 triệu post tôm càng xanh trên diện tích 13 ha, anh Tạo cho biết: “mô hình tôm càng xanh ngày càng khẳng định hiệu quả khi lũ về. Do tận dụng được lợi thế từ nguồn cá tạp tại chỗ, môi trường nước thuận lợi cho tôm phát triển. Nếu điều kiện thuận lợi, năm nay sản lượng tôm thương phẩm sẽ đạt 18 - 20 tấn từ diện tích trên”.

Tại Cà Mau, không có lũ nhưng khi mùa mưa đến thì mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cũng nhộn nhịp hơn. Công tác rửa mặn, gieo mạ trên bờ líp để phục vụ cho vụ tôm càng xanh cũng tất bật như nông dân vùng lũ. Tập trung nhiều nhất là huyện Thới Bình, từ vài ha (2011 - 2012) đến nay diện tích thả nuôi đã tăng lên trên 1.500 ha.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam3353-.jpg

Mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ đạt hiệu quả cao - Ảnh: Diệu Lữ
 

  1. người tiên phong đưa mô hình tôm càng xanh trong ruộng lúa, ông Nguyễn Văn Khoái ấp Trương Thoại, xã Nguyễn Bạch, huyện Thới Bình cho biết, nếu mô hình tôm - lúa đã khẳng định tính bền vững và mang lại lợi nhuận khá cao thì ở con tôm càng xanh được nuôi kết hợp với trồng lúa cho thu nhập không kém. Bởi trong quá trình nuôi không xảy ra dịch bệnh, không cần cho ăn, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất phun cho cây lúa do ảnh hưởng đến tôm. Nhờ đó, tạo ra sản phẩm sạch cho cả 2 đối tượng này.

 

Phát huy lợi thế

Cánh đồng xã Tân Mỹ, Tân Phú, Phú Lợi, huyện Thanh Bình và xã Tân Công Sính, Phú Thọ, Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nước hiện đã ngập tràn. Trên đồng nước, các phương tiện xuồng, ngư cụ được người dân sử dụng để đánh bắt và khai thác cá, tép, lươn, ếch, cua, ốc… Nghề thả lưới, giăng câu, đặt lờ… mùa nước nổi vừa đơn giản vừa tiện lợi, ít tốn kém.

Với khoảng 1,5 triệu đồng vốn để mua xuồng, tay lưới hoặc giàn câu là đủ dụng cụ kiếm sống vào mùa nước nổi. Lưới 4 hoặc 5 phân đem giăng sẽ bắt được cá mè vinh, cá rô lớn; còn lưới 2,5 - 3 phân sẽ bắt được cá linh, cá rô, cá sặt… Câu giăng thường bắt được cá lóc, cá trê, ếch, rắn…

Mùa nước nổi năm nay, vợ chồng anh Trần Văn Hội (ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính) đem 400 m lưới loại 2,5 phân, một ngày giăng chỉ bắt được hơn 2 kg cá các loại. Ngày nào trúng kiếm cũng chỉ được tầm 5 kg cá, thu nhập khoảng 100.000 đồng. Ông Tư Ngon ở xã Tân Mỹ cùng cháu nội (10 tuổi), từ sáng đến trưa, dầm mình trong đồng nước mò ốc, bắt cua, kéo lưới cá để kiếm cái ăn qua ngày. Ông Ngon bày tỏ: “Cứ đều đều mỗi ngày, ông cháu tôi cũng bắt được chừng 1 kg cá, vài ba ký cua, ốc dư tiền mua gạo. Hái mớ rau muống, bông súng, bông điên điển cũng xong bữa ăn. Như vậy là may lắm rồi. Bởi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhà nghèo lại không đất sản xuất, đi làm mướn thì không ai dám kêu (?) Nhờ có mùa nước nổi, với những cánh đồng chưa có đê bao, còn có con cua, con ốc dù bán cho những chủ nuôi cá chỉ vài ngàn đồng một kilôgam cũng có ít tiền mua gạo, muối”.

Việc người dân tận dụng lợi thế tự nhiên để thực hiện mô hình kinh tế (mô hình tôm càng xanh trong lũ của nông dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang; mô hình tôm càng xanh trên ruộng lúa của người dân Cà Mau) mang lại hiệu quả cao đang được các ngành chuyên môn, chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị. Nhiều địa phương đang tích cực mở các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao cho nông dân thực hiện mô hình, các mô hình điểm để hội thảo nhân rộng. Bố trí ao ương để nâng cao tỷ lệ sống, góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập cho hộ gia đình. Góp phần tích cực hơn về đa dạng đối tượng nuôi và năng suất tôm nuôi cho ngành thủy sản các tỉnh khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

>> Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhận định: Lũ về, người dân trong xã háo hức khai thác nguồn lợi phong phú như tôm càng xanh, cua đồng và các loại cá; thu nhập trung bình trên 600 nghìn đồng/ngày, góp phần ổn định cuộc sống.



Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: