Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực trong nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Làm quen với cách giao dịch của thị trường này, cùng với việc tháo gỡ các rào cản thương mại của các thị trường tiềm năng khác, sẽ giúp thủy sản đạt được kế hoạch xuất khẩu (XK) đã đề ra.
Ngày 22/1, Ban Chỉ đạo thị trường nông nghiệp và các hiệp hội ngành hàng đã có cuộc họp để đánh giá tình hình XK nông, lâm, thủy sản, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy mạnh XK.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, trong các mặt hàng thủy sản XK sang Trung Quốc tăng mạnh nhất là tôm, đặc biệt là tôm sú. Trung Quốc đã vượt cả Hàn Quốc (thị trường thường đứng thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam). XK nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc chiếm khoảng 20% giá trị XK toàn ngành.
Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý, khi thị trường Trung Quốc gia tăng nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến cách mua hàng của doanh nghiệp Trung Quốc để tránh tác động về sau.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề xuất, hiện nay Việt Nam chưa đánh thuế với doanh nghiệp nước ngoài mua bán nông, lâm, thủy sản tại Việt Nam, nên các bộ, ngành cần nghiên cứu trường hợp này. Cùng với đó, cần đưa ra yêu cầu kiểm soát hàng XK sang Trung Quốc như phải có giấy chứng nhận để tránh tình trạng lợi dụng sự giao thương để buôn bán hàng không đạt chất lượng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, cũng như tránh những tác động tiêu cực trở lại.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc là thị trường gần và nhập khẩu rất nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, do đó cần ưu tiên, tập trung số một vào thị trường này. Thứ hai là thị trường Mỹ và Nhật Bản, vì đây là 2 thị trường tiêu thụ tốt. Thứ ba là các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó Nga đang có nhu cầu hàng thủy sản cao.
Cùng với đó là tập trung vào Trung Đông và Bắc Phi; cá tra có thể đẩy mạnh sang châu Phi và châu Mỹ Latin; tăng đàm phán để đẩy nhanh XK tôm vào Australia.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), đối với thị trường Nhật Bản, thời gian tới cần tháo gỡ rào cản về mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Enrofloxacin áp dụng với tôm của Việt Nam, bảo đảm phù hợp với quy định như của các nước phát triển khác. Thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác và cơ chế công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản về chất lượng nông, lâm, thủy sản và hàng hóa nhằm tháo gỡ nút thắt cho XK nông sản Việt Nam sang thị trường này.
Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ đăng ký để Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản sớm công nhận năng lực và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm nông, thủy sản của các phòng kiểm nghiệm Việt Nam, tránh kiểm tra 2 lần, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong XK.
Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị của Bộ cần tổ chức các buổi hội thảo với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, phổ biến những quy định, quy tắc của từng thị trường nhập khẩu đối với cụ thể từng mặt hàng để kịp thời gỡ vướng cho XK thủy sản trong những tháng cuối năm.
Báo điện tử Chính Phủ