Hiện nay, nuôi tôm thẻ chân trắng từ mô hình bán thâm canh đến siêu thâm canh đều sử dụng sử dụng 100% thức ăn công nghiệp. Chi phí thức ăn trong nuôi tôm thẻ thường chiếm hơn 50% tổng chi phí nuôi và có ảnh hưởng quan trọng tới toàn bộ quá trình nuôi, vì vậy người nuôi cần lựa chọn loại thức ăn phù hợp để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho tôm và đạt được hiệu quả kinh tế tối ưu.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm thẻ chân trắng
Thời tiết
Quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm thẻ chịu tác động rất lớn từ môi trường. Trong quá trình nuôi, cần quan sát tình hình cụ thể của thời tiết mà tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp với sức ăn của tôm, tránh thừa hay thiếu.
Mưa bão gây biến động môi trường nước nuôi lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm, trong đó hiện tượng kém ăn, bỏ ăn là biểu hiện rõ ràng nhất. Dưới tác động của mưa, nhiệt độ thường thấp hơn 5 – 6oC so với bình thường. Nhiệt độ hạ thấp làm quá trình trao đổi chất của tôm sẽ giảm, dẫn đến sức ăn cũng giảm theo. Ở nhiệt độ thấp, tôm không đòi hỏi lượng thức ăn lớn mà chỉ cần một lượng để duy trì, cho nên cần lưu ý để tránh lãng phí thức ăn và đảm bảo môi trường nước nuôi.
Tuy nhiên, khi nhiệt độ cao thì quá trình trao đổi chất trong cơ thể tôm cũng tăng cao, nên chúng sử dụng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, lượng men tiêu hóa trong cơ thể tôm có hạn nên sẽ khó có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong thức ăn như ở nhiệt độ bình thường. Như vậy đồng nghĩa là sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn hơn mà hiệu quả không cao.
Đối với tôm thẻ, nhiệt độ thích hợp nằm trong khoảng 28 – 30oC, khi nhiệt độ giảm đi khoảng 2oC thì nên giảm 30 – 50% lượng thức ăn hàng ngày và tùy theo khả năng bắt mồi của tôm mà điều chỉnh lượng thức ăn sau khi nhiệt độ nước ổn định.
Chất lượng nước
Tôm thẻ thường được nuôi mật độ cao trong thể tích nhỏ nên chất bài tiết từ tôm, thức ăn thừa và hệ vi sinh vật luôn tạo áp lực lớn lên hệ sinh thái ao nuôi. Hai yếu tố quan trọng có thể bị tác động lớn là: NH3 và H2S. NH3 là sản phẩm phụ của sự phân hủy chất đạm, trở nên độc hơn ở pH cao và nhiệt độ cao. Thức ăn thừa, phân tôm và vi sinh vật đã chết làm phát sinh H2S ở khu vực kỵ khí của đáy ao. H2S trở nên độc hơn ở pH thấp và nhiệt độ thấp.
Ngược lại, khi chất lượng nước kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh lý của tôm thẻ, làm giảm cảm giác thèm ăn, suy giảm chức năng của hệ tiêu hóa. Vì vậy cần quản lý tốt chất lượng nước ao, kiểm soát lượng thức ăn thừa. Khi môi trường nước ổn định, người nuôi có thể tiết kiệm được 10 – 30% lượng thức ăn.
Quản lý cho ăn
Nếu cho ăn thiếu có thể dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng giảm, nhưng cho ăn dư thừa lại gây bất lợi đến chất lượng nước, vì vậy cần phải điều chỉnh tỷ lệ ăn để đáp ứng nhu cầu thực tế của tôm nuôi.
Nhu cầu thức ăn hàng ngày được ước tính điều chỉnh dựa trên các yếu tố như tốc độ tăng trưởng, DO, nhiệt độ và lượng thức ăn còn lại trên sàng theo dõi thức ăn.
Do chất lượng nước hoặc sức khỏe tôm có thể bị thay đổi đột ngột nên cần dùng sàng ăn để theo dõi ước tính, điều chỉnh lượng thức ăn. Thông qua việc theo dõi sàng ăn, người nuôi có thể phát hiện ra tốc độ ăn chậm lại và điều chỉnh lượng thức ăn, nhờ đó nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cung như sức khỏe tôm.
Chất lượng thức ăn
Hiện nay thức ăn tôm thẻ trên thị trường là rất đa dạng về nhãn hiệu, thành phần, công thức... Người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với nhu cầu của tôm nuôi cũng như các tiêu chí cụ thể của từng trại nuôi. Khi lựa chọn thức ăn, cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:
- Công thức dinh dưỡng chuyên biệt đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của tôm ở từng giai đoạn phát triển.
- Kích thước viên phải phù hợp với kích thước tôm
- Mùi vị và tính hấp dẫn của thức ăn. Các thức ăn có mùi vị ngon và kích thích tôm bắt mồi có thể cải thiện hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) cũng như tốc độ tăng trưởng của tôm.
- Thức ăn phải đủ độ ổn định sau khi tiếp xúc với nước để hạn chế việc mất chất dinh dưỡng và lãng phí thức ăn, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi.
- Lựa chọn thức ăn có tăng cường các chất bổ sung (vitamin, enzyme, khoáng chất, các chất kích thích miễn dịch…) để các chất cải thiện khả năng tiêu hóa và tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho tôm.
Nguồn: Thủy sản tép bạc