Tập trung vốn cho vụ tôm mới

Friday,
09/02/2018
0

Trong khi chờ các chính sách mới có hiệu lực và được thực thi, người nuôi tôm vẫn đang vật lộn với khó khăn về vốn, ảnh hưởng tới nuôi vụ mới, khiến nguồn nguyên liệu vẫn còn thiếu, cung - cầu mất cân đối.


Mở rộng tái đầu tư

Vài tháng nay, giá tôm trên thị trường bắt đầu nhích lên, người nuôi tại nhiều địa phương nhanh chóng tận dụng cơ hội, thu hoạch sớm để bán. Họ đang dần thoát tâm lý chán nản, an tâm sản xuất trở lại.

Tỉnh Trà Vinh, đến tháng 6/2013, so với năm 2012, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) đã tăng 12 lần. Tại tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi TTCT đã tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2012. Tỉnh Bạc Liêu diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 10.007 ha, đến tháng 8 đã nuôi TTCT trên 2.131 ha. Tỉnh Bến Tre diện tích nuôi khoảng 4.165 ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh…, TTCT được nuôi thâm canh trong ao đất, nuôi tôm trên cát trong ao lót bạt, năng suất bình quân 8 - 10 tấn/ha. Đến hết tháng 8/2013, diện tích nuôi TTCT cả nước khoảng 25.200 ha, sản lượng 40.000 tấn. Xuất khẩu tôm Việt Nam đang phục hồi với mức tăng 150% của TTCT trong tháng 8 và đạt mức tăng trên 65%, chiếm hơn 43% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam2518-.jpg

Nhiều hộ nuôi tôm đang đầu tư tái sản xuất vụ mới - Ảnh: Phan Thanh Cường

Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Nguyễn Văn Nhiệm cho biết: Vụ nuôi năm nay đã thắng lợi hơn so với năm 2012, giá tôm lên cao kỷ lục, loại 40 con/kg có giá 170.000 - 180.000 đồng/kg. Diện tích thả nuôi mới hiện nay đạt 40% tổng diện tích nuôi. Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu cho biết: Diện tích nuôi TTCT còn "khiêm tốn" so với tôm sú; so với năm 2012, diện tích nuôi TTCT cũng tăng, người nuôi cũng phấn khởi hơn. Tuy nhiên, vốn vay vẫn là rào cản khó khăn để tái đầu tư.

Rất cần hỗ trợ về vốn

Hoạt động nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm, gắn liền với vốn vay, người nuôi phụ thuộc ngân hàng để quay vòng sản xuất. Ngành tôm gần đây đã tăng trưởng, người nuôi đã có lãi, hoạt động kiểm soát dịch bệnh đã được khống chế; nhưng vụ nuôi năm 2012 người nuôi tại nhiều địa phương thua lỗ, chưa vực dậy hoàn toàn, nguồn vốn còn bị "kẹt".

Ông Nguyễn Văn Nhiệm nhấn mạnh: Người nuôi tôm rất muốn thả nuôi ao tôm tiếp theo nhưng vốn vay chưa được phê duyệt; điều kiện, thủ tục vay vẫn còn khó đáp ứng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ có ưu đãi cho người nuôi về vốn, thực hiện trong thời gian sớm nhất. Các hộ nuôi tiếp tục thả nuôi và sẽ đầu tư "mạnh tay" khi có hỗ trợ về bảo hiểm tôm nuôi và vốn vay. Đã vào tháng cuối mùa vụ thả tôm nuôi năm 2013, người nuôi tôm vẫn chưa thấy thông tin triển khai bán bảo hiểm và việc bồi thường thiệt hại vẫn chậm chạp.

"Vua tôm" Võ Hồng Ngoãn, chủ trang trại nuôi tôm ở xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, cũng than: Nhiều hộ nuôi đã "treo ao" vì kiệt vốn, vốn vay ngân hàng ít quá không đủ đầu tư cho vụ nuôi mới. Ông đề nghị ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản; hạn mức cho vay tối đa (mức đảm bảo tiền vay không thế chấp) 50 triệu đồng/hộ; nếu là đối tượng nông dân cần vốn nuôi tôm quy mô công nghiệp phải làm thủ tục vay…

 

Để tái đầu tư hiệu quả

Mới đây, báo cáo trước Quốc hội về lĩnh vực thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cho biết: Với TTCT, nếu như những năm trước, năng suất nuôi tôm chỉ đạt 1 - 2 tấn/ha thì nay với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm, năng suất TTCT đã đạt 30 tấn/ha. Các nhà khoa học thủy sản đã nỗ lực nghiên cứu tìm ra biện pháp khống chế Hội chứng tôm chết sớm (EMS), góp phần cho vụ tôm năm 2013 thắng lợi. Trong khi đó, xuất khẩu tôm Thái Lan giảm 50% so với sản lượng 500.000 tấn năm 2012. Dự báo ngành tôm Thái Lan sẽ phục hồi trong mấy tháng tới nhưng khó hoàn toàn khôi phục trước quý II năm 2014. Ngành tôm Việt Nam đang có lợi thế và phải biết tranh thủ thời cơ, xuất khẩu mạnh vào mặt hàng tôm, gỡ khó cho cá tra và các sản phẩm chủ lực khác.

Hơn lúc nào hết, mỗi hộ nuôi cũng xác định được nhu cầu thị trường, nỗ lực mở ao nuôi, tuân thủ quy trình kỹ thuật, hạn chế dịch bệnh. Thị trường xuất khẩu đã được khơi thông phần nào, vấn đề còn lại vẫn liên quan vốn vay. Tại Bạc Liêu, việc xem xét cho gia hạn, giãn nợ ngân hàng đối với hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; tăng cường tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm đến tận hộ dân; công tác theo dõi, tìm nguyên nhân dịch bệnh và có giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm được tiến hành.

Ðể giúp người nuôi thủy sản ÐBSCL vượt qua khó khăn, đồng thời giúp doanh nghiệp bảo hiểm (BH) tháo gỡ vướng mắc nghiệp vụ, Bộ Tài chính đã ban hành quy định pháp lý sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính trong thực hiện BH nông nghiệp. Trong đó, để phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình trong nước, các chi phí (bán hàng, quản lý, hỗ trợ, thù lao...) được điều chỉnh giảm, tạo hành lang thông suốt cho công tác BH nông nghiệp triển khai có hiệu quả, có điều kiện tốt để triển khai rộng.

Tháng 6/2013, Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường nâng khung giá đất nuôi trồng thủy sản lên, để người nuôi tôm có thể thế chấp vay được số vốn nhiều hơn; Bộ cũng cần kiến nghị Chính phủ có thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng thủy sản.

>> Theo nhiều hộ nuôi tôm tại Cà Mau, bảo hiểm tôm nuôi tại địa phương trong thời gian hoạt động đã không thanh toán hết cho người nuôi, nên nhiều hộ không tiếp cận được vốn ngân hàng.
 

Thủy sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: