Tin giá tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, có chiều hướng tăng trở lại như “luồng gió” xua tan bớt không khí ảm đạm, đìu hiu ở các vùng nuôi tôm công nghiệp. Nhiều nơi bà con đang có ý định tái sản xuất sau thời gian dài treo đầm.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, toàn huyện có gần 760 ha nuôi tôm công nghiệp, với 1.465 hộ. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đang thả nuôi chỉ chiếm hơn 46%, với 350 ha. Nguyên nhân làm cho diện tích nuôi tôm công nghiệp giảm mạnh là do thời gian trước tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng liên tục rớt giá, người nuôi không có lãi.
Ðìu hiu vùng nuôi tôm
Suốt thời gian dài, đâu đâu cũng thấy đầm tôm công nghiệp bị bỏ hoang. Những hộ có điều kiện thì tiếp tục nuôi cầm cự chờ giá hoặc chuyển sang sản xuất theo các mô hình khác.
Ông Nguyễn Văn Kiên, ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời là người nổi tiếng khắp vùng bởi tay nghề nuôi tôm công nghiệp khi 4 năm gắn bó với mô hình này chỉ có 1 vụ bị “gãy” giữa chừng. Vụ đầu tiên, với 3 đầm tôm công nghiệp (diện tích 6.500 m2) đem lại lợi nhuận ngoài sự mong đợi của ông, tới nửa tỷ đồng.
Nhờ mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm công nghiệp mà đời sống kinh tế gia đình ông thay đổi hẳn. Nhưng kể từ khi tôm liên tục rớt giá, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mấy tháng nay, nhận thấy không còn khả năng cầm cự, ông Kiên đành treo đầm. Ông Kiên buồn rầu cho biết: “Giá tôm thấp quá, nuôi chẳng có lời lóm gì nên lâu nay tôi không dám tái sản xuất nữa. 2 đầm thì treo mấy tháng nay, còn đầm này 1.800 m2 thì hơn tháng nay tôi thả 1.500 con cua nuôi thử xem sao, vì thấy trong vuông có nhiều con 2 mảnh”.
Cũng tự tìm cách cứu mình như ông Kiên trước tình cảnh tôm liên tục rớt giá, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc cũng tận dụng đầm tôm công nghiệp để nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Ông Nghiệp cho biết: “Thấy đầm tôm bỏ không lãng phí quá, tôi suy nghĩ phải tìm tòi mô hình nào đó để sản xuất thử. Tôi có quen một số bạn bè từng nuôi tôm quảng canh cải tiến, thấy hiệu quả kinh tế khá bền vững. Mặc dù lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng rủi ro thấp, chi phí thấp, chỉ khoảng 25% so với nuôi công nghiệp. Từ đó, tôi thả 6.000 con tôm sú, mật độ thưa (3 con/m2). Hiện nay, tôm nuôi được 1 tháng, đạt trọng lượng khoảng 60 con/kg”.
Vẫn gặp khó do thời tiết
Ông Thái Văn Khắc, Trưởng ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, cho biết, mặc dù hơn năm qua giá tôm thấp, sản xuất gặp nhiều rủi ro nhưng gia đình ông vẫn duy trì nuôi tôm công nghiệp, có điều giảm diện tích hơn so với trước đây. Ông Khắc tâm sự, nghề nghiệp thì phải đeo, không làm biết lấy gì mà ăn, nhưng nuôi mà chẳng yên tâm chút nào. Mỗi ngày ông đều theo dõi bản tin thị trường, tìm hiểu giá cả qua các thương lái mà cứ phập phồng lo sợ.
Ông Võ Việt Trung cho biết, để thực hiện mục tiêu nghị quyết Ðảng bộ xã đề ra là duy trì 300 ha nuôi tôm công nghiệp, sắp tới, xã sẽ tuyên truyền, vận động những hộ có điều kiện tái sản xuất, mở rộng diện tích. Xã cũng sẽ phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn khoa học - kỹ thuật cho người dân; tổ chức tham quan các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo phương thức sản xuất mới hiệu quả để người dân học hỏi.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá tôm có chiều hướng khả quan, cũng như nhiều bà con trong vùng, ông Khắc không giấu được niềm vui: “Hơn tháng nay tôm lên giá khá cao, hiện đối với loại 100 con/kg được các thương lái thu mua với giá gần 100.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm giữa năm 2015 gần 30.000 đồng/kg. Vậy là 4 ao nuôi tôm công nghiệp được hơn tháng của gia đình tôi có hy vọng rồi”.
Tuy nhiên, hiện thời tiết không mấy thuận lợi cho nuôi tôm, nắng nóng kéo dài, độ mặn trong vuông cao, gây ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của tôm. Anh Bào Thanh Cương, ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, cho biết: “Hiện tôi đang thả nuôi đầm tôm công nghiệp 1.200 m2 được khoảng 20 ngày tuổi, nhưng trời nắng nóng quá, tôm chậm lớn. Riêng đối với nuôi quảng canh truyền thống, từ đầu năm đến nay thả tôm thiệt hại 50%, còn thả cua thì không bắt được con nào”.
Ông Nguyễn Văn Kiên cũng cho biết: “Giá tôm thẻ đang lên, tôi mừng lắm, đang có ý định sẽ tái sản xuất trở lại. Nhưng hiện nay, độ mặn trong vuông quá cao, có thời điểm lên tới 40%o. Vì vậy, tôi đang đợi tới khi mưa xuống mới thả nuôi”.
Ông Võ Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc, cho biết: “Năm 2015, người dân ở địa phương nuôi tôm công nghiệp hiệu quả không cao. Giá tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, liên tục “lao dốc”. Bước qua năm 2016 đến nay, do thời tiết nắng nóng, độ mặn trong vuông cao, khoảng 35%o, nên diện tích thả nuôi cũng sụt giảm. Hiện tại, trong 300 ha nuôi tôm công nghiệp của xã chỉ có 190 ha thả nuôi. Ðồng thời, do ảnh hưởng của giá tôm, thời tiết không thuận lợi nên đã có 2 ha nuôi tôm công nghiệp san lấp hầm và 17 ha nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại, chủ yếu là do bệnh gan tuỵ và đốm trắng”.
Cà Mau Online