Thách thức tôm Việt trước Covid-19

Tuesday,
03/03/2020
0

Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc tạm dừng việc nhận hàng từ doanh nghiệp Việt Nam. Hoạt động thông thương giữa hai nước hiện chưa thể bình thường trở lại buộc các đơn vị xuất khẩu của nước ta phải tìm điểm đến mới.

Giao thương khó khăn

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 4 của Việt Nam, chiếm 16% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Đây cũng là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam. Năm ngoái, tuy xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc giảm 22,5% nhưng sản phẩm này vẫn chiếm tỷ trọng lớn (41%) trong các sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường này.

Đầu năm 2020, dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona gây ra bùng phát tại Trung Quốc, đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và dự báo trong quý I/2020, tiêu thụ tôm của Việt Nam tại Trung Quốc cũng bị suy giảm. Chia sẻ của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm, đơn vị đã ký đơn hàng xuất khẩu tới hơn 600 tấn tôm với đối tác tại Trung Quốc, nhưng hiện mới xuất hàng được 1/2, phần còn lại phải lưu kho.

6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD   Ảnh: Nguyệt Nga 

Ảnh minh họa

Ghi nhận thị trường tôm thế giới, dự báo giá tôm thời gian tới sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh khi tôm của Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan (những thị trường cung cấp lớn sản phẩm tôm tại Trung Quốc) cũng đang ùn ở cảng Trung Quốc mà chưa được thông quan. Nhiều tàu biển hiện không thể cập cảng ở Trung Quốc do việc đóng và bốc dỡ hàng hóa diễn ra chậm hoặc không hoạt động. Các nước này cũng sốt sắng tìm thị trường thay thế như Mỹ, EU nên việc này cũng ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Hàn Quốc, Mỹ, EU cũng bị tác động không tốt do tâm lý e dè, lo ngại dịch bệnh nên cũng ảnh hưởng tới việc chốt hợp đồng mới của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, đối với những đơn vị có thị phần nhỏ tại Trung Quốc lại có nhiều lạc quan hơn; điển hình như Sao Ta khi chỉ có tới 0,5% tại Trung Quốc trong tổng khối lượng hàng xuất khẩu. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn, thời điểm này tôm sú cỡ lớn hết vụ, sản lượng cuối mùa không đủ trả các hợp đồng các thị trường khác. Cho nên, cơ bản doanh nghiệp không bị ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm trong giai đoạn hiện nay.

Cùng  đó, VASEP nhận định, sau đại dịch này, có thể người tiêu dùng Trung Quốc sẽ thay đổi nhận thức và thói quen ăn uống, hạn chế ăn thực phẩm tươi sống và sẽ chuyển sang tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm tôm chế  biến sâu đảm bảo ATTP để chế biến, nấu chín. Nhu cầu tiêu thụ tôm của người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ cao hơn để thay thế cho các mặt hàng giáp xác sống khác như tôm hùm, các mặt hàng tươi sống như cá hồi ướp lạnh.

 

Hy vọng tại EU

Trong bối cảnh tình hình dịch corona diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất kịp thời.

Năm 2020, ngành tôm được kỳ vọng sẽ có những dấu hiệu tích cực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua, tôm Việt sẽ rộng được xuất khẩu vào thị trường này. Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 - 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Ngày 21/1/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua EVFTA. Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động. Tiếp theo, EP sẽ bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2/2020 ở Strasbourg, Pháp. Nếu thông qua, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỷ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỷ euro mỗi năm, theo số liệu của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu tại Việt Nam.

>> Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ corona, bởi hiện kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính ngạch khoảng 3,7 tỷ USD, theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản. 

Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: