Thăng trầm tôm nuôi sinh thái

Wednesday,
21/02/2018
0

Nuôi tôm sinh thái đã trải qua nhiều năm thăng trầm và ngày càng khẳng định hướng đi vững chắc nhờ việc góp phần bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và tạo thương hiệu tôm sạch cho con tôm Việt.


Nuôi tôm sinh thái ở Việt Nam được biết đến chủ yếu là mô hình nuôi tôm - rừng và nuôi tôm - lúa, tập trung chính tại các tỉnh ĐBSCL. Vào đầu những năm 1980, các hệ thống nuôi tôm độc canh, hệ thống rừng ngập mặn và hệ thống luân canh tôm lúa đã xuất hiện và được phát triển. Hiện, ĐBSCL chiếm hơn 90% diện tích nuôi và 60% sản lượng tôm trong cả nước hàng năm.

 

Tôm - rừng

Dù xuất hiện lâu đời nhưng các mô hình trên chỉ thật sự định hình và phát triển kể từ năm 1995. Tôm sinh thái được nuôi trong rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ. Tỷ lệ rừng trên 50%, mật độ 2 - 3 con/m2, diện tích 2 - 10 ha/vuông. Vuông nuôi được xây dựng có bờ bao vững chắc, đảm bảo giữ được nước và cần có thêm ao ương dưỡng tôm giống với diện tích 200 - 500 m2/ao, sâu 0,6 - 0,8 m. Ưu điểm của mô hình giảm chi phí thức ăn, thuốc do tôm sử dụng thức ăn tự nhiên, phân hữu cơ hoặc vi sinh. Đặc biệt, không dùng hóa chất, thuốc kháng sinh trong sản xuất; đảm bảo chất lượng tôm sạch.

Hệ thống tôm - rừng được hình thành một cách tự phát từ những năm 1980. Đến đầu thập niên 1990, phong trào chuyển đổi rừng ngập mặn để nuôi tôm một cách ồ ạt. Nhà nước đã ra chính sách về việc sử dụng một cách lâu dài và phù hợp với mục đích phát triển rừng theo Nghị định số 02/1994/NĐ-CP, Nghị định 01/1995/NĐ-CP của chính phủ. Được sử dụng lâu dài và có lợi ích từ nguồn lợi thủy sản và rừng, người dân đầu tư hơn vào các bờ bao của hệ thống rừng - tôm và chuyển dần sang nuôi tôm quảng canh trong hệ thống này. Đến cuối thập niên 1990, người dân đã từng bước chuyển sang nuôi tôm sú với mô hình quảng canh cải tiến trong hệ thống tôm - rừng thuộc vùng đệm của rừng phòng hộ tập trung chính ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Tôm - rừng là điển hình nuôi tôm sinh thái ở Việt Nam - Ảnh: Thanh Ngân
 

Cà Mau là tỉnh có diện nuôi tôm rừng sinh thái lớn, thu được nhiều kết quả nhất và bắt đầu triển khai cách đây hơn 10 năm. Mô hình đầu tiên là dự án do Đại sứ quán Thụy Sĩ tài trợ, được triển khai tại Lâm ngư trường 184 thuộc Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển. Tiếp đó, sản phẩm tôm sinh thái của gần 350 hộ dân trong khu vực rừng phòng hộ Kiến Vàng với hơn 2.500 ha được Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn làm đối tác bao tiêu. Năm 2013, dự án nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế, do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và IUCN đã triển khai cho hơn 740 hộ dân trong tổng số gần 2.000 hộ gia đình đang sống trong rừng ngập mặn Nhưng Miên. Năm 2014, có khoảng 10.000 ha diện tích tôm rừng được công nhận là nuôi tôm sinh thái; Đến nay, Cà Mau có khoảng 14.000 ha tôm rừng được công nhận là nuôi tôm sinh thái đạt chuẩn quốc tế (chứng nhận Natureland; ASC, BAP; tiêu chuẩn Selva Shrimp).

 

Tôm - lúa

Được công nhận là tôm sinh thái tiếp theo phải kể đến mô hình tôm - lúa. Vào mùa khô, khi đất bị nhiễm mặn, người dân tranh thủ cho nước ra, vào theo thủy triều để thu tôm, cá tự nhiên theo hình thức quảng canh, sau đó rửa mặn và trồng lại lúa vào mùa mưa. Mô hình tôm - lúa đã xuất hiện từ trước năm 1975, tập trung ở các vùng đất ven sông, kênh, rạch của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Trong những giai đoạn đầu 1995 - 2000, mô hình còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư, kỹ thuật và liên kết. Sau đó, từ năm 2000, mô hình mới phát triển mạnh và nhanh chóng mở rộng diện tích 8.000 ha vài năm 2009. Đến năm 2012, diện tích tôm lúa của Sóc Trăng đạt 19.000 ha và mở rộng sang các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh; hình thành nên vùng sản xuất tôm - lúa theo hướng liên kết, bền vững. Hiện, Kiên Giang là tỉnh có diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lớn nhất ĐBSCL với 77.264 ha, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương. Năm 2015, diện tích tôm - lúa toàn vùng ĐBSCL khoảng 250.000 ha. Hình thức luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa đã cho năng suất 300 - 500 kg/ha.

>> Mặc dù, xu hướng chuyển sang các hệ thống nuôi thâm canh ngày càng nhiều, nhưng các hệ quảng canh cải tiến, tôm rừng ngập mặn và luân canh tôm - lúa vẫn chiếm phần lớn tới hơn 85% diện tích nuôi ở Việt Nam.


Thủy sản Việt nam



 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: