Thở dài trên đồng nuôi tôm

Thursday,
08/02/2018
0

Vụ tôm 2013 đối diện với nhiều bất lợi từ điều kiện thời tiết, nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích nuôi của các tỉnh trọng điểm đã bị chết, nguồn tôm nguyên liệu sụt giảm...


Thời tiết bất lợi

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản Sóc Trăng cho biết, từ tháng 3 đến 5/2013, nhiệt độ cao hơn cùng kỳ năm 2012 khoảng 20C và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,20C. Bên cạnh, từ giữa tháng 5, gió mùa Tây Nam sẽ hoạt động mạnh trong nền nhiệt độ cao, độ mặn ở các sông rạch ven biển cũng sẽ cao hơn so các năm trước. Trong khi tình hình chất lượng giống chưa đảm bảo lại thêm môi trường có nhiều biến động nên "nuôi tôm vẫn còn không ít khó khăn".

Tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nếu như mọi năm vào tháng 3 âm lịch là thời điểm người dân đã thả giống tôm thì giờ đây, những ao hồ khô nước bỏ trống, những máy móc, vật liệu phục vụ nuôi tôm trị giá hàng trăm triệu đồng phải che đậy và không hoạt động. Đợt dịch bệnh trong tháng vừa qua đã làm hàng chục nhóm hộ nuôi tôm phải gấp rút thu hoạch, xả hồ trước khi dịch lây lan. Cùng đó, vào thời điểm giao mùa, nắng nóng, mưa giông cộng với môi trường ô nhiễm, một số nơi trong xã tôm đã mắc bệnh gan tụy, đốm trắng, đầu vàng...

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-con-tom-446-.jpg

“Treo ao” vì tôm chết, chờ bồi thường - Ảnh: S.N

Cạn vốn

Ông Nguyễn Văn Hải và ông Bùi Hữu Dũng ở xã Lạc Hoà (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, tháng 4 vừa rồi trúng được lứa TTCT, năng suất khoảng 8 tấn/ha, bán giá 120.000 đồng/kg. Nói năng suất theo ha là tính hạo mà thôi, chứ hai ông chỉ nuôi một ao rộng 3.000 m2, thu hoạch được 2,5 tấn tôm. Mấy năm trước, mỗi ông có 2 - 3 ao, nhưng sau mấy vụ thất bát cạn hết vốn liếng, đầu năm nay, chỉ đủ hùn nhau nuôi một ao. Ông Hải thở dài: "Những vụ trước, chúng tôi áp dụng đủ thứ biện pháp theo cán bộ khuyến nông hướng dẫn mà tôm vẫn bị dịch bệnh, chết hết". Ông Dũng cho biết thêm: "Nhiều người nuôi tôm quanh đây đã hết vốn nuôi tiếp, còn mắc nợ ngân hàng không biết bao giờ trả hết".

Hiệp hội tôm Mỹ Thanh tập hợp các đại gia nuôi tôm công nghiệp có tiếng ở tỉnh Sóc Trăng, nay vẫn nhiều khó khăn, nhất là vốn. Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, các hội viên năm nay nuôi rải vụ, không tập trung như những năm trước, nhưng vẫn không đủ vốn để nuôi. Cuối năm ngoái, Hiệp hội được dư luận biết đến khi gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Sóc Trăng mang ra Hà Nội một văn bản kêu cứu Chính phủ hỗ trợ vốn cho người nuôi tôm. Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm đã phát biểu tại nghị trường, kiến nghị đưa con tôm vào diện giãn nợ 24 tháng. Sau đó, Chính phủ đã đồng ý và chỉ đạo ngân hàng thực hiện.

Ông Nhiệm thở dài: "Chính sách hỗ trợ còn nhiều vướng mắc lắm". Bởi ngân hàng chỉ đồng ý giãn nợ gốc mà không giãn tiền lãi; thêm nữa, tài sản thế chấp làm hồ sơ mấy năm trước với định giá thấp, nay chưa thanh lý được nợ cũ để định giá lại tài sản nên khó vay vốn, có vay được cũng rất ít. "Vì thiếu vốn mà đến nay, chúng tôi mới thả nuôi được hơn 10% diện tích", Chủ tịch Nhiệm chia sẻ.

Thiếu giống tốt

Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Trà Vinh cho biết, đến giữa tháng 4, kiểm dịch 412 mẫu con giống, kết quả 112 mẫu (27%) nhiễm MBV. Ngành chuyên môn kiểm dịch 29,1 triệu con tôm sú giống, phát hiện 300.000 con (hơn 10%) nhiễm bệnh MBV. Nhập tỉnh 63,240 triệu con tôm sú giống, qua kiểm dịch đã phát hiện 720.000 con nhiễm bệnh đốm trắng, 880.000 con bị nhiễm bệnh MBV; TTCT nhập tỉnh 100,861 triệu con giống, kiểm tra phát hiện 2,8 triệu con nhiễm bệnh Taura.

Tỉnh Cà Mau hiện chỉ còn 420 trại tôm giống, giảm gần 20% so năm 2011, nên tình hình thiếu tôm giống càng trầm trọng. Diện tích nuôi tôm ở Cà Mau 290.000 ha, nhu cầu tôm giống hàng năm hơn 15 tỷ con, khả năng sản xuất trong tỉnh khá thấp và Cà Mau đặt kế hoạch phát triển nhanh trại giống tôm để đến năm 2015 có 1.200 trại giống, đáp ứng 80% nhu cầu. Tuy nhiên, năm qua, trại tôm giống không phát triển thêm mà nhiều trại đóng cửa hoặc chuyển nghề khác do tôm nuôi bị dịch bệnh, người nuôi tôm thất bát nên nợ nần dây chuyền làm các trại giống cũng cạn vốn.

Người nuôi chờ... bồi thường

Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, nuôi tôm từ đầu năm đến nay tiếp tục khó khăn, riêng trong tháng 4/2013, tôm nuôi bị thiệt hại hơn 10.190 ha, mức độ thiệt hại hơn 70%, trong đó tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gần 270 ha. Người nuôi tôm căng thẳng đợi bồi thường, trong khi đó, Ban chỉ đạo các cấp, cán bộ bảo hiểm cũng căng thẳng lần theo từng chứng từ, hồ sơ... để xác nhận bồi thường. Ông Trần Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, xã có 3.200 ha nuôi tôm, có 1.490 ha tôm thiệt hại, chiếm 79% diện tích thả giống. Vụ đầu, chỉ có 10 hộ tham gia bảo hiểm, sau đó, tôm bị chết được bồi thường sòng phẳng, thỏa đáng. Nhưng khi bà con ồ ạt tham gia, tôm chết trên diện rộng, cán bộ bảo hiểm đi mất luôn. Bà con rất bức xúc chờ bồi thường và ngại ngần tham gia.

Thống kê tại Bạc Liêu cho thấy, có đến 90% số hộ nuôi tôm bị thiệt hại đều rơi vào thời gian từ 55 đến 59 ngày. Điều đó lý giải phần nào tỷ lệ tôm chết khoảng thời gian 55 - 60 ngày tăng cao. Bảo hiểm nông nghiệp nói chung, bảo hiểm tôm nuôi nói riêng là cứu cánh người nuôi tôm, được sự đồng thuận, nhưng dịch bệnh tràn lan, quy tắc lỏng lẻo, địa bàn phân tán thì làm sao tránh bị lợi dụng vẫn là thách thức.
 

Theo Thủy sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: