Thời tiết bất lợi cho tôm nước lợ

Monday,
12/02/2018
0

Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường đang gây nhiều bất lợi trong nuôi tôm nước lợ, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng vụ nuôi, đặc biệt là khiến dịch bệnh có xu hướng gia tăng.


Cục Thú y và các Chi cục NTTS địa phương cho biết: Đến 31/5/2014, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong cả nước khoảng 14.000 ha (do dịch bệnh khoảng 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha); trong đó diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh gan tụy cấp tính khoảng 1.700 ha. Dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ có xu hướng tăng mạnh, diễn biến khó lường.

Tình hình phức tạp

Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: Vụ tôm chính 2014, tỉnh khuyến cáo thả giống đợt 1 từ 15/11/2013 đến hết tháng 1/2014; ngưng thả tôm giống trong tháng 2 - 3. Tuy nhiên, thực tế năm nay cho thấy nếu khuyến cáo nông dân ngưng thả tôm giống vào đầu mùa mưa, tháng 4 - 5 là phù hợp (vì năm nay mưa đến muộn hơn). Thời tiết thất thường theo hướng bất lợi, khó lường trước.

Còn theo ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, ban ngày nắng nóng làm nhiệt độ nước tăng cao. Nhiều vuông nuôi công trình bờ bao không đảm bảo kín nước, mực nước trong vuông thấp làm cho tôm nuôi bị sốc môi trường, ảnh hưởng đến quá trình phát triển và bị thiệt hại rải rác. Trong khi đó, một số trường hợp xả nước bị ô nhiễm ra kênh rạch công cộng làm ảnh hưởng môi trường nước.

Ông Dương Tiến Thể, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho rằng dịch bệnh tăng chủ yếu do thời tiết thay đổi; độ mặn, nhiệt độ thay đổi dẫn đến tôm bị dịch bệnh. Hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu làm nguồn nước không đảm bảo. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi chưa hợp lý, trong đó nông dân nuôi theo kinh nghiệm riêng, còn công ty có quy trình nuôi riêng; chưa kể nông dân nuôi theo quy trình của các công ty, lúc nào cũng kèm theo thuốc, hóa chất nên tới chừng tôm bệnh thì không điều trị được...

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/nuoitommuanong.jpg

 

Tích cực hỗ trợ

Tổng cục Thủy sản đề ra kế hoạch tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về nuôi tôm nước lợ, phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, quản lý chặt chất lượng giống tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng, chất lượng thức ăn và con giống. Tăng cường kiểm tra, giám sát vùng và cơ sở NTTS để chỉ đạo kịp thời.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, trong đó tập trung Oxytetracyline. Chia sẻ thông tin dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch thủy sản giống, thủy sản bố mẹ. Xây dựng và hoàn chỉnh báo cáo thông tin của các địa phương để có căn cứ xác định mức độ bị bệnh theo đối tượng nuôi và hình thức nuôi chính xác nhất…

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để thực hiện tốt công tác quản lý thú y thủy sản trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý giống theo Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT và các văn bản pháp luật khác có liên quan, trong đó triển khai thực hiện công bố chất lượng, kiểm dịch giống, ghi chép theo dõi trong quá trình sản xuất… Tăng cường kiểm tra các yếu tố đầu vào theo Thông tư 14, phối hợp với Thanh tra Bộ, Sở tiến hành thanh tra trên diện rộng vật tư nông nghiệp từ nay đến cuối năm để chấn chỉnh chất lượng các yếu tố đầu vào trong NTTS giúp người dân sử dụng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học đạt hiệu quả cao…



Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: