Thông tư 26, tôm giống "được" gì?

Thursday,
08/02/2018
0

Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản vừa được ban hành sẽ chính thức có hiệu lực ngày 5/7. Đây được coi là "kim chỉ nam" cho hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên cả nước, trong đó, lĩnh vực sản xuất tôm giống đang rất chờ đợi.


Thực tế sản xuất

Trong một thời gian dài, lợi nhuận từ con tôm mang lại quá cao đã khiến diện tích tôm nuôi không ngừng mở rộng. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bộc lộ điểm yếu về thị trường tiêu thụ, giá cả, dịch bệnh và lo ngại hơn là chất lượng con giống dường như bị thả nổi. Trong vòng 3 năm trở lại đây, người nuôi tôm trong cả nước phải đối diện với quá nhiều bất lợi: thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh tràn lan, chi phí đầu vào tăng cao, giá thành phẩm xuống thấp…; đặc biệt, chất lượng con giống đang ngày càng mất kiểm soát.

Điều này rất đáng lo ngại vì tôm giống quyết định đến trên 50% thành công của vụ nuôi. Mặc dù, cả nước có tới hàng nghìn cơ sở lớn nhỏ sản xuất và cung ứng tôm giống, nhưng tôm giống chất lượng thiếu vẫn hoàn thiếu. Bởi, hầu hết các cơ sở này, nhất là những cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ chưa đáp ứng được điều kiện sản xuất (thiếu trang thiết bị, đầu tư khoa học kỹ thuật, đội ngũ kỹ sư còn mỏng, vấn đề kiểm dịch, kiểm nghiệm…). Do đó, rất cần có sự quản lý của Nhà nước, nhằm đưa ra các quy định cụ thể trong sản xuất, tạo nguồn giống sạch bệnh, an toàn, chất lượng.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-con-tom-505.jpg

Nhu cầu tất yếu

Các nội dung trong Thông tư 26 về quản lý tôm giống được quy định khá chi tiết, đầy đủ, như về điều kiện sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất giống, thực hiện việc cấp phép sản xuất cho những cơ sở đủ điều kiện, năng lực, quản lý nhập khẩu tôm bố mẹ. Đặc biệt, nhấn mạnh tới vấn đề kiểm dịch, kiểm nghiệm con giống và việc gia hóa đàn tôm bố mẹ. Đây cũng là hai vấn đề các doanh nghiệp và người nuôi quan tâm. Khi Thông tư được ban hành sẽ mở ra hướng đi cụ thể cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Thông tư đã quy định khá chi tiết các yêu cầu của một cơ sở hay trại sản xuất giống phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa điểm xây dựng hợp pháp; cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp; sử dụng các loại thuốc hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, thức ăn phải nằm trong danh mục được cấp phép lưu hành.

Một vấn đề mới được đề cập tới trong Thông tư chính là việc Bộ NN&PTNT cho phép các đơn vị được thực hiện sản xuất kinh doanh đàn tôm bố mẹ nếu đáp ứng các yêu cầu của một cơ sở sản xuất kinh doanh giống và được kiểm tra đánh giá cấp phép hoạt động (trước đây, Bộ chỉ giao cho các đơn vị trực thuộc, các trung tâm, viện, trường...). Điều này, sẽ có tác động lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ phải đầu tư nâng cao chất lượng con giống, và nâng cao trách nhiệm trong việc cam kết nguồn giống sản xuất ra đảm bảo chất lượng được cấp phép lưu hành.

Vẫn cần thêm sự hỗ trợ

Không chỉ lo âu về chất lượng tôm giống, ở nhiều nơi, nghịch lý xảy ra ở ngay "cửa ngõ" sản xuất, như tại Bạc Liêu, doanh nghiệp đủ năng lực và vật lực mở rộng trại sản xuất tôm giống nhưng lại gặp khó về đất đai, như Công ty THHH Việt-Úc. Hiện, Công ty đang chậm mất một năm so với chủ trương thực hiện Dự án mở rộng trại giống thêm 32 ha, tại phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Nguyên do, UBND TP Bạc Liêu chấp thuận cho thuê thêm 32 ha để mở rộng trại giống, nhưng đến ngày 6/6, UBND tỉnh mới ký quyết định phê duyệt giá đất để làm căn cứ lập phương án bồi thường và tái định cư. Với quyết định này, dù có được hỗ trợ tối đa thì cũng phải vài ba tháng nữa dự án mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Còn để khởi công sẽ còn phải chờ thêm thời gian ra quyết định giao đất cho chủ đầu tư...

Mặt khác, việc ra đời của Thông tư 26 mặc dù được đánh giá cao, nhưng nó vẫn cần phải có một lộ trình khi đi vào thực thi. Ông Quách Hớn Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt-Úc cho biết, Thông tư 26 mở ra một hướng phát triển tốt cho giống thủy sản Việt Nam, nhất là tôm giống và tôm bố mẹ. Các quy định của Thông tư sẽ tốt hơn cho những đơn vị sản xuất giống có thương hiệu. Với những nội dung chặt chẽ, tiến bộ và mang tính thực tiễn cao, sẽ bắt buộc những đơn vị sản xuất giống phải nâng cao chất lượng. Từ đó sẽ có được giống tốt cho người nuôi. Tuy nhiên, để Thông tư đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả cao thì các biện pháp quản lý, chế tài việc áp dụng thực hiện của các ngành chức năng đối với các cá nhân, đơn vị sản xuất con giống cũng phải tiến hành song song.

Do vậy, để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc và tạo điều kiện của các cấp, ngành. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ những cơ sở làm ăn không đúng quy định, nhập nguồn giống chất lượng thấp, không qua kiểm dịch, hay những chiêu trò "bẩn" trong kinh doanh… Đây là bước quan trọng để hạn chế tối đa lượng giống chất lượng thấp ra thị trường, có như vậy, người nuôi mới an tâm đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống.

>> Qua tìm hiểu một số doanh nghiệp và người nuôi về Thông tư 26 thì hầu hết đều chưa nắm bắt được nội dung của Thông tư, và cũng chưa thực sự quan tâm. Vậy, để Thông tư thực sự đi vào sản xuất, phát huy hiệu quả và không chỉ là các quy định trên giấy rất cần một lộ trình và những giải pháp cụ thể.
 


Theo Thủy sản Việt Nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: