Trong khoảng 2.000 tấn tôm thương phẩm trong vụ nuôi năm 2013 ở Trà Vinh, có tới hơn 1.200 tấn buộc người nuôi phải thu hoạch sớm khoảng 2-2,5 tháng do lo ngại dịch bệnh.
Loại tôm non này (khoảng 100- 150 con/kg) chỉ tiêu thụ nội địa, bán với giá thấp khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg; chỉ bằng khoảng 35- 45% so với giá tôm nguyên liệu các nhà máy mua chế biến xuất khẩu.
Tuy thu hoạch sớm khó thu được lãi nhưng người nuôi tôm cũng gỡ gạc được một phần chi phí để có vốn đầu tư tiếp thả nuôi vụ sau.
Tôm nuôi bị chết thường xuất hiện rất sớm, phổ biến từ 15- 40 ngày tuổi, do nhiễm các loại bệnh đốm trắng, hội chứng hoại tử gan tụy, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, đầu vàng …
Trà Vinh còn có gần 4.500 hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị mất trắng, với lượng giống thả nuôi khoảng 400 triệu con giống trên diện tích hơn 3.520 ha. Tôm nuôi bị chết có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân sâu xa là phong trào nuôi tôm phát triển quá nóng, còn mang tính tự phát, không có quy hoạch.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở vùng nuôi tôm - nhất là hệ thống thủy lợi cho con tôm hiện không đáp ứng yêu cầu, môi trường nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng. Hơn nữa, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, nguồn nước trong ao nuôi bị cạn, dẫn đến tôm nuôi bị chết nhiều.
Đáng chú ý là chất lượng con giống năm nay kém. Việc quản lý nguồn tôm giống hiện còn bất cập, lượng giống thả nuôi qua kiểm dịch bằng hệ thống PCR chiếm rất thấp.
Ngoài ra, đa phần các hộ nuôi tôm do thiếu vốn, thiếu đất nên không xây dựng ao lắng, ao xử lý nước thải theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật theo hệ thống: ao lắng- ao nuôi và ao xử lý nước thải…
Vụ nuôi tôm năm 2013 ở vùng ngập mặn ven biển tỉnh Trà Vinh hiện có gần 20.500 hộ, thả nuôi khoảng 1,5 tỷ con tôm sú và tôm thẻ chân trắng giống trên diện tích gần 20.000ha mặt nước. Tôm nuôi đa phần ở trong giai đoạn từ 10-40 ngày tuổi.
Đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh hiện chưa được khống chế. Trong khi đó ngành nông nghiệp địa phương hiện không còn nguồn hóa chất Chlorine dự trữ để cấp cho các hộ nuôi tôm bị thiệt hại cải tạo lại ao nuôi và ngăn ngừa mầm bệnh lây sang các ao nuôi khác, nên khả năng lây bệnh ở tôm nuôi là rất lớn.
Theo Vietnam+