Tình trạng thiếu vốn, thiếu cơ chế chính sách liên quan đến tín dụng cho việc đầu tư nuôi tôm tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng liên tiếp được cảnh báo. Hàng loạt cuộc hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn này được diễn ra. Tuy nhiên, ngân hàng và khách hàng gần như chưa gặp nhau liên quan đến… tiền bạc.
Nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu.Ảnh: Nhật Hồ.
Thiếu vốn trầm trọng
Để nâng cấp, mở rộng mô hình nuôi tôm theo hướng siêu thâm canh, đòi hỏi người nuôi tôm phải có vốn đầu tư rất lớn. Ông Nguyễn Văn Thanh – hộ nuôi tôm tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu – cho biết: “Để hoàn chỉnh hạ tầng cho 1ha nuôi tôm theo mô hình thâm canh cần đến 4 tỉ đồng. Nếu ngân hàng không hỗ trợ vốn, người nuôi không có cách nào đầu tư được”.
Trên thực tế, những năm gần đây, người dân rất khó tiếp cận, thậm chí gần như không tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng do đã vay nợ ngân hàng từ trước đó. Khó lại thêm khó, ông Nguyễn Chí Khanh – xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau – than thở: “Hiện tôi đang thực hiện mô hình nuôi tôm trải bạt diện rộng. Tuy là phương án khả thi, có lợi nhuận thấy được trong tương lai, thế nhưng, sổ đỏ của gia đình đã thế chấp, đưa phương án sản xuất để thuyết phục ngân hàng cho vay thêm là rất khó”.
Để có vốn nuôi tôm, phần lớn người nuôi tôm hiện nay phải dựa vào nguồn vốn đầu tư của các đại lý thông qua việc mua nợ vật tư đầu vào với giá cao hơn thực tế 20-40%. Vì vậy, suất đầu tư cho các mô hình nuôi tôm tới đây cũng cần được thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho người nuôi do còn ngại rủi ro mất vốn và nhất là vướng các quy định pháp luật.
Với vai trò là tổ chức của người nuôi tôm Sóc Trăng, ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh – cho rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần có chủ trương rõ ràng, cụ thể theo hướng mở về các quy định đối với các ngân hàng thương mại khi đầu tư cho những dự án nông nghiệp. Cần xem vốn – nông dân – công nghệ – thiết bị là quy trình cơ bản để xem xét trách nhiệm của ngân hàng khi có phát sinh nợ xấu cho vay trong nuôi tôm, để giúp các ngân hàng mạnh dạn hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Về phía ngân hàng, theo ông Huy cần có đầy đủ đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định hoặc thuê đơn vị thẩm định độc lập chuyên ngành và tham khảo, tìm hiểu thêm về cơ chế đầu tư vốn cho nông nghiệp từ các nước trong khu vực.
Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Hồng Ngoãn – người được xem là “vua tôm” – nhận định: Không tiếp xúc với ngân hàng được, người nuôi tôm sẽ vay từ đại lý thức ăn, thuốc thú y. Điều này sẽ làm tăng giá thành con tôm lên và vô tình xuất hiện tín dụng ngoài luồng từ những đầu tư gián tiếp này.
Ngân hàng và khách hàng chưa gặp nhau
Chính phủ đã có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (gọi tắt là Nghị định 55) để hỗ trợ người dân vay vốn. Thế nhưng, Nghị định 55, cho vay tín chấp lên đến 100 triệu đồng, cộng thêm phần vay thế chấp có thể hỗ trợ chi phí nuôi cho bà con. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, hầu như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người nuôi tôm đã nằm ở ngân hàng hết rồi. Mặc dù là cho vay tín chấp, không làm thủ tục như thế chấp, nhưng cái khó là người nuôi phải gửi quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương về nguồn gốc đất canh tác cho ngân hàng. Trong khi đó hầu hết sổ đỏ của dân đã nằm trong ngân hàng trước đó.
Một cán bộ ngân hàng tại Cà Mau cho rằng, hiện nguồn vốn của ngân hàng không thiếu, đang chờ nông dân đến vay. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ không vay được vốn là do còn thiếu nợ cũ chưa trả, nợ tồn đọng kéo dài nên không thể cho vay tiếp. Đối với những hộ nuôi có phương án kinh doanh khả thi thì ngân hàng sẵn sàng xem xét có thể tiếp tục cho vay thêm, giúp người dân có điều kiện vượt qua khó khăn.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – đã có ý kiến chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng nhà nước tại các địa phương cần có trách nhiệm giám sát các vấn đề khó khăn của nông dân, để giúp họ được tiếp cận vay vốn. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần chủ động tiếp cận các ngân hàng thương mại để cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tăng cường đối thoại, tìm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nói chung và con tôm, cá tra nói riêng để góp phần hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra.
Chính quyền cũng gặp khó
Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu – cho rằng, Bạc Liêu đang xây dựng vùng nguyên liệu tôm với các mô hình thâm canh, siêu thâm canh. Tuy nhiên, hiện tại ngoài các DN đầu tư, 139 hộ đang nuôi đều khó khăn về vốn. “Chúng tôi đang mở rộng diện tích, nâng cao năng suất con tôm, nhưng ngân hàng không đầu tư thì vô cùng khó khăn” – ông Lân cho biết.
Trong khi đó, ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – cho biết: “Cái khó là ngân hàng cũng là DN kinh doanh tiền tệ. Chúng tôi hiểu rất rõ điều này, Bạc Liêu cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét nâng giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh để có nguồn tài sản thế chấp vay được nhiều hơn, ít rủi ro hơn”.
Bạc Liêu cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu phối hợp với các ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn về vốn cho người nuôi tôm.
Nguồn: Báo Lao động