Với việc Nga bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu, tình hình xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Nga được dự báo sẽ "tốt lên". Mặc dù vậy, Nga vẫn bị đánh giá là thị trường "khó chơi".
Những cơ hội mới
Sau gần 8 tháng "cấm cửa" với lý do cá tra Việt Nam không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tháng 8/2014, Cục Kiểm dịch động thực vật Nga (VPSS) đã có thông báo dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Nga và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) cho 7 DN chế biến thủy sản Việt Nam. Tiếp sau đó, 3 đơn vị khác cũng được "thoát án".
Tuy việc bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Nga mới dừng ở mức "e dè” nhưng từ chuyên gia đến DN đều thừa nhận, động thái này đã ít nhiều giúp thủy sản Việt Nam có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga.
Thực tế, với 70% kim ngạch thủy sản xuất khẩu vào Nga là cá tra file, việc bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Nga có tác động tích cực đến con cá tra nói riêng và các DN chuyên xuất khẩu cá tra như Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agrifish-AGF),Thủy sản Hùng Vương (HVG) nói chung.
Theo số liệu công bố, năm 2013, thị trường Đông Âu và Nga chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của HVG. Với AGF, con số này là 3,81%. Tuy Nga và Đông Âu xếp sau Mỹ khá xa trong cơ cấu xuất khẩu nhưng lâu nay, Nga vẫn là thị trường truyền thống của HVG lẫn Agrifish.
Trong định hướng phát triển sắp tới, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HVG, cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Nga của HVG có thể sẽ tăng gấp 5 lần trong năm 2015. Trước mắt, từ tháng 9 đến hết quý I/2015, HVG có kế hoạch xuất khẩu 20.000 tấn cá tra, tương đương khoảng 50 triệu USD sang thị trường Nga.
Đặc biệt, trong năm 2015, HVG dự kiến sẽ đầu tư 30 triệu USD xây dựng kho lạnh 10.000 tấn và nhà máy chế biến thủy sản công suất 100 tấn/ngày tại Nga.
HVG muốn chủ động hơn trong phân phối thủy sản ở Nga và cũng là cách để đặt chân sâu hơn vào thị trường 140 triệu dân này. Nếu tính cả thị trường Liên minh Hải quan, HVG cũng như các DN xuất khẩu thủy sản sang Nga sẽ có thị trường 200 triệu dân.
Nhìn rộng hơn, Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, sự kiện Nga cấm nhập khẩu thủy sản từ Na Uy (chiếm đến 36-41% thị phần, chủ yếu là cá hồi), Mỹ (chiếm 2,5% thị phần, chủ yếu là trứng cá, cá tuyết, các loại cá đông lạnh), EU, Canada và Úc trong vòng một năm, có hiệu lực từ 7/8/2014 vì vấn đề chính trị liên quan đến Ukraine đang mở ra cơ hội lớn cho hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang nước này.
Một cơ hội khác thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu vào thị trường Nga là Hiệp định Khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan và Việt Nam, dự kiến được ký kết vào đầu năm 2015.
Khi đó, Việt Nam sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký hiệp định này với Liên minh Hải quan và được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan. Chẳng hạn, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm ngay như hàng điện máy và thiết bị (giảm 7 lần so với thuế suất hiện tại), dệt may (2 lần), chè (2 lần), thủy hải sản (4,8 lần)...
Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội này, ông Maxim Golikov, Trưởng cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, cho biết, DN Việt Nam phải lưu ý nhiều vấn đề quan trọng khác.
Thứ nhất, các hệ thống siêu thị bán lẻ Nga không tự nhập khẩu hàng nên DN Việt Nam muốn đưa hàng sang Nga phải thông qua các công ty chuyên nhập khẩu. Cùng đó, DN Việt Nam còn phải tìm hiểu yêu cầu sơ bộ đối với từng mặt hàng khi vào Nga như mức thuế nhập khẩu, thuế hải quan, thuế VAT hay các yêu cầu về chất lượng hàng hóa...
Còn nhiều "chốt chặn"
Lâu nay, Nga là quốc gia ban bố nhiều biện pháp gắt gao về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy là thị trường lớn song Nga lại không công nhận quy chuẩn của bất cứ thị trường nào khác.
Vì thế, theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), dù Việt Nam hiện có 602 DN được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu nhưng phía Nga chỉ chấp nhận 34 DN trong số đó.
Các yêu cầu quy chuẩn khác biệt và khắt khe này đã gây ra không ít khó khăn cho DN Việt Nam. Điển hình, cuối năm 2008, khi Cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga đột ngột ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam vì cho rằng thủy sản Việt Nam không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, hàng trăm container cá đã bị dồn ứ tại các cảng của Nga.
Nga cũng thường xuyên triển khai các giải pháp bình ổn thị trường thủy sản nội địa và thiết lập các điều kiện nhằm hạn chế nhập khẩu thủy sản. Đơn cử, cuối năm 2011, Nga đã tìm cách mua cá hồi và cá minh thái để ngăn biến động giá cả và ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp. Kết quả, quý I/2012, nhập khẩu thủy sản vào Nga đã giảm 32%.
Với các diễn biến này, từ nhiều năm qua, Nga không còn là thị trường xuất khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam. Số liệu từ VASEP cho thấy, năm 2013, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nga chỉ chiếm 1,5% tổng giá trị xuất khẩu, đạt trên 100 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm nay, trong khi giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt trên 5 tỷ USD, thì xuất khẩu thủy sản sang Nga chiếm chưa tới 1%, tức chỉ đạt 45,625 triệu USD.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, lý giải thêm, thị trường Nga chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn vì Nga có nguồn thủy hải sản khá nhiều. Đáng chú ý, trong mục tiêu đến năm 2020, Nga dự kiến sẽ giảm tiêu thụ thủy sản nhập khẩu từ mức 47% như hiện nay xuống 20%.
Những đặc thù trong khâu thanh toán như nhiều DN Nga không mở tài khoản ngân hàng ở Nga, không mở L/C, chỉ trả trước 20-30% giá trị lô hàng thông qua hệ thống ngân hàng của Mỹ, châu Âu... đã gây ra không ít rủi ro, mất mát cho bên bán và làm không ít DN xuất khẩu thấy nản.
Đó là chưa kể các rào cản kỹ thuật, thủ tục còn rườm rà, chưa theo thông lệ quốc tế... trong xuất khẩu sang Nga. Tất cả biến Nga thành thị trường không dễ tham gia và không dành cho mọi đơn vị.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn