Tuần qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đồng loạt tăng giá khoảng 5.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi giảm giá hơn 10.000 đồng/kg vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước tình hình này, nông dân có ao tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch vô cùng phấn khởi bởi hứa hẹn một vụ tôm được mùa trúng giá.
Ông Nguyễn Văn Năm, nông dân nuôi tôm ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, tuần qua giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng các loại đồng loạt tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với thời điểm Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam lần 8 vào giữa tháng 9 vừa qua.
Cụ thể, thời điểm này thương lái đến tận ao tôm của nông dân thu mua tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg với giá 165.000-175.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205.000-210.000; tôm thẻ chân trắng được thu mua với giá 125.000-130.000 đồng/kg đối với tôm cỡ 60 con/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg cũng được thu mua với giá 102.000-110.000 đồng/kg.
Theo ông Năm, hiện nay, các ao tôm ở địa phương gần như đã thu hoạch hết, chỉ còn một vài ao thả tôm trễ hay đã thả nuôi vụ 2 là còn nuôi. Do đó, lượng tôm thu hoạch trong thời gian tới là không còn nhiều, trong khi nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu để chế biến đáp ứng các đơn hàng tôm đông lạnh phục vụ dịp Noel, Tết dương lịch sắp tới của các nhà nhập khẩu tăng cao. Chính vì vậy mà việc thương lái lợi dụng thông tin Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao tôm đông lạnh Việt Nam để ép giá tôm nguyên liệu của nông dân không còn hiệu quả.
Ông Lê Quang Hải, nông dân nuôi tôm ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, giá thành nuôi tôm sú nằm ở mức 110.000 đồng/kg, còn tôm thẻ chân trắng khoảng 70.000 đồng/kg; năng suất tôm sú bình quân khoảng 5 tấn/ha sau 3,5-4 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng khoảng 10 tấn/ha sau 2,5-3 tháng nuôi. Với giá tôm hiện nay thì nông dân có tôm thu hoạch có thể đạt lợi nhuận 250-500 triệu đồng/ha đối với tôm sú và 320-400 triệu đồng đối với tôm thẻ chân trắng.
“Đây là mức lợi nhuận khá cao đối với người nuôi tôm và giá tôm hiện nay có thể giúp người nuôi tôm tiếp tục tái sản xuất. Tuy nhiên, nuôi tôm rủi ro rất cao do dịch bệnh luôn rình rập, nên bà con nuôi tôm cần phải thực hiện đúng quy trình nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ mới mong đạt được sản lượng cao”, ông Hải chia sẻ.
Nhiều người nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông cũng cho biết, người nuôi tôm Việt Nam gần như tự bơi trên chính mảnh đất của mình, tự tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn giống, chăm sóc… nhưng đa số đều có kinh nghiệm nuôi tôm qua nhiều năm nên giá thành sản xuất tôm của Việt Nam thấp hơn một số nước là điều đương nhiên. Do đó, việc nói tôm nuôi Việt Nam có giá thành thấp hơn một số nước khác là do được trợ giá của Chính phủ là điều áp đặt vô lý.
Theo số liệu thống kê của các địa phương, đến nay Tiền Giang đã thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích hơn 5.355 ha, trong đó có hơn 3.338 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng thả nuôi thâm canh, bán thâm canh và 2.017 ha tôm sú thả nuôi quảng canh cải tiến. Diện tích tôm sú, tôm thẻ chân trắng thả nuôi thâm canh, bán thâm canh thu hoạch là 2.088 ha với sản lượng 14.400 tấn. Ngoài ra còn có 2.089 tấn tôm sú thả nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến thu hoạch theo kiểu thu tỉa thả bù.
Báo Công Thương