Trong nuôi tôm nước lợ, chất lượng tôm giống là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Thế mà người nuôi tôm vẫn chưa thể chủ động chọn được giống tốt. Điều này khiến nguy cơ xảy ra dịch bệnh ngày càng tăng cao, nhất là trong điều kiện chưa xác định được tác nhân chính khiến tôm chết hàng loạt trong 2 năm vừa qua, gây ra tâm trạng lo lắng trước vụ nuôi mới.
Chưa chủ động nguồn tôm giống
Do có hệ sinh thái đặc thù mặn - ngọt - lợ đan xen, các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang như: Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX. Gò Công có lợi thế rất lớn cho nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ.
Năm 2013, toàn tỉnh có kế hoạch thả nuôi hơn 4.200 hecta tôm sú (TS) và tôm thẻ chân trắng (TTCT) theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến với tổng nhu cầu tôm giống thả nuôi 2,3 tỷ con; trong đó Tân Phú Đông có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với hơn 3.000 hecta, nhu cầu thả nuôi 1,3 tỷ con giống.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả nuôi 595,2 triệu con TS và TTCT giống với 2.169 hecta, chiếm 57,41% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh; diện tích còn lại nông dân đã cải tạo ao đầm, sẵn sàng lấy nước để thả nuôi vụ tôm mới khi điều kiện thời tiết thích hợp. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của người nuôi là lượng tôm giống sản xuất tại chỗ còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi tôm tại địa phương, chất lượng con giống chưa đảm bảo sạch bệnh.
Bắt đầu vụ nuôi hàng năm người nuôi tôm vẫn không thể kiểm soát chất lượng tôm giống.
Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 3 cơ sở sản xuất TS giống đang hoạt động (Gò Công Đông 1 cơ sở, Tân Phú Đông 2 cơ sở), cung cấp cho thị trường 40 triệu con giống mỗi năm. Bên cạnh đó, có 11 cơ sở thuần dưỡng tôm giống, hàng năm cung cấp cho thị trường 400 triệu giống TS và TTCT. Các cơ sở sản xuất và thuần dưỡng tôm giống này chỉ đáp ứng được khoảng 15 - 25% nhu cầu tôm giống thả nuôi trong tỉnh nên nguồn tôm giống thả nuôi chủ yếu vẫn phải nhập từ các tỉnh: Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Vũng Tàu.
Do nguồn tôm giống được nhập từ nhiều nơi về nên không đồng đều, chất lượng kém, giá cả cũng rất khác nhau. Ông Võ Văn Hòa, nông dân nuôi tôm xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết: “Tôm giống trên thị trường bây giờ rất nhiều chủng loại khác nhau, giá cả cỡ nào cũng có.
Giá tôm thường dao động từ 30 - 75 đồng/con; thậm chí có loại tôm giống do một số công ty lớn sản xuất, có uy tín trên thị trường thì giá bán tới 120 đồng/con. Dù vậy, tôm nào cũng được giới thiệu là sạch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y hẳn hoi, nhưng nhiều ao tôm thả nuôi từ 15-30 ngày đã chết sạch, nông dân vẫn là người lãnh đủ”.
Theo ngành chức năng Tiền Giang, thời gian qua chất lượng tôm giống của các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh chưa nâng cao vì chưa làm chủ được công nghệ sản xuất mà còn phụ thuộc vào chuyên gia (kỹ thuật) đến từ các tỉnh miền Trung.
Bên cạnh đó, do hiệu quả sản xuất giống không cao nên các cơ sở sản xuất giống này có xu hướng chuyển sang thuần dưỡng hoặc làm đầu mối phân phối tôm giống cho các trại sản xuất giống ngoài tỉnh. Tuy nhiên, nguồn tôm giống nhập vào tỉnh khó có thể kiểm soát được chất lượng do không thể kiểm tra được nguồn tôm giống tại gốc. Mặt khác, địa bàn vùng nuôi phân tán trên diện rộng, giống tôm nhập vào tỉnh bằng nhiều con đường khác nhau trong khi lực lượng chuyên ngành còn quá mỏng nên việc kiểm tra chất lượng tôm giống cũng gặp nhiều khó khăn.
Tôm giống: Thực tế và khuyến cáo
Chất lượng tôm giống được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của nghề nuôi tôm. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất bại của vụ nuôi chỉ chiếm 30% nếu chọn được nguồn giống tốt; ngược lại, thì tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh lên tới hơn 80%.
Dù biết thế, nhưng hầu hết những hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến đều chọn nguồn tôm giá rẻ chỉ từ 20-35 đồng/con để giảm bớt chi phí nuôi. Chỉ có một số hộ nuôi tôm quy mô lớn, có điều kiện mới hùn lại “đánh” xe ra tận các cơ sở sản xuất tôm giống ở Khánh Hòa, Bình Thuận chọn lô giống rồi cử người ở lại canh, những người còn lại đem mẫu lô giống đó đi kiểm dịch; đến khi kết quả kiểm tra đạt mới bắt lô giống đó chở về tới ao nuôi nên hoàn toàn kiểm soát được chất lượng tôm giống.
Từ thực tế các vụ nuôi, hầu hết người nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cho rằng “tiền nào của nấy”, bởi họ lập luận rằng tôm giống giá cao còn hy vọng chất lượng tốt, còn giá thấp thì chắc chắn rủi ro cao. Đối với những hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến, phần lớn không thể phân biệt được chất lượng tôm giống nên họ thường chỉ mua tôm rẻ vì hy vọng số lượng tôm giống càng nhiều thì tỷ lệ sống sót càng cao.
Theo các chuyên gia, đây là suy nghĩ sai lầm của người nuôi tôm. Tôm giống được khẳng định là tốt chỉ khi người nuôi biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ, điều kiện trại sản xuất, nguồn gốc giống, nhất là phải có kết quả âm tính đối với những bệnh nguy hiểm khi trực tiếp đem mẫu đi kiểm dịch bằng phương pháp PCR tại cơ quan thú y.
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất giống, thương lái đã lợi dụng tâm lý “tiền nào của nấy” của người nuôi tôm mà “đánh lận con đen” bằng cách bán với giá cao, hay trộn tôm giống trôi nổi với tôm giống có chất lượng, có bao bì, nhãn hiệu uy tín để tăng doanh thu. Đối với một số bà con ham giống rẻ để có số lượng tôm giống nhiều thì lại càng nguy hiểm hơn, bởi phần lớn bệnh trên tôm nuôi là do vi rút gây ra, có độ cảm nhiễm cao nên chỉ cần một con tôm bệnh thì cả ao tôm cũng chết theo.
Theo báo cáo của các địa phương nuôi tôm, đầu vụ tôm năm nay nông dân chưa mạnh dạn thả nuôi mà có tâm lý chờ xem diễn biến tình hình dịch bệnh như thế nào. Đến nay, dịch bệnh tôm tương đối ổn nên bà con nuôi tôm đã tranh thủ thả giống được 57% diện tích nuôi tôm của tỉnh.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trong nuôi tôm thời gian tới, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thực hiện theo khuyến cáo nuôi tôm của ngành, tham khảo và áp dụng quy trình nuôi tôm thành công được tổng kết từ thực tiễn của Tổng cục Thủy sản, chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, được kiểm dịch giống trước khi xuất bán…
Theo Báo Ấp Bắc