Tiền Giang: Xuất khẩu thủy sản đang ấm dần

Thursday,
22/02/2018
0

Sau một thời gian dài trầm lắng, những ngày đầu năm 2014 xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có dấu hiệu ấm dần lên.


Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi sau một thời gian dài XK khó khăn đã dẫn đến tình hình tồn kho lớn, DN phải cắt giảm công suất hoạt động và thực hiện nhiều giải pháp tiết giảm chi phí khác.

Thông tin XK ấm lên đã được lãnh đạo các DN trong ngành chế biến thủy sản XK trên địa bàn tỉnh chia sẻ. Ngày 4-3, bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền (Sotico) cho biết, nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường truyền thống có nhích lên, tuy chưa nhiều, nhưng cũng mang lại tín hiệu lạc quan hơn.

Cụ thể, những tháng đầu năm 2014, trung bình mỗi tháng công ty XK khoảng 40 containers, dự kiến năm 2014 công ty đạt khoảng 20 triệu USD. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ánh, thị trường tiêu thụ thực sự không đáng lo bằng chính ở thị trường trong nước

"Tình trạng mua cá nguyên liệu cao nhưng giá XK lại thấp vẫn diễn ra, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Chính điều này đã ít nhiều tác động đến giá XK theo chiều hướng giảm xuống, dẫn đến hiệu quả của các DN không cao”, bà Nguyễn Thị Ánh phân tích thực trạng hiện nay.

Đánh giá thêm về thực trạng XK thủy sản hiện tại, chiều ngày 6-3, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, thị trường tiêu thụ có khởi sắc, giá bán cũng tăng được khoảng 2%.

Tuy vậy, DN chế biến thủy sản XK lại đang đối diện với rất nhiều khó khăn khác. Đó là, dù giá XK có tăng nhưng vẫn chưa phù hợp với mặt bằng chung nên dẫn đến cạnh tranh nội bộ ngày càng gay gắt. Thứ hai là việc quản lý chất lượng cũng như vấn đề nuôi không tốt dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, thiếu cứ liên tục xảy ra.

Chẳng hạn, hiện nay thị trường tiêu thụ khởi sắc nhưng nguồn cá nguyên liệu lại không đủ cho các nhà máy chế biến XK. Điều này dẫn đến tình trạng giá cá nguyên liệu tăng cao nhưng nhà máy lại giảm công suất hoạt động.

Để minh chứng cho thực trạng này, lãnh đạo các DN chế biến thủy sản XK dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho thấy trong tháng 2-2014, diện tích và sản lượng cá tra tại ĐBSCL giảm nhiều so với năm trước. Cụ thể, diện tích nuôi cá tra tại Cần Thơ còn 480ha, giảm 8,57%; Vĩnh Long còn 277ha, giảm 10%; Đồng Tháp còn 989ha, giảm 4,7%.

Nguyên nhân là do chất lượng con giống giảm, giá bán cá thấp hơn giá thành, trong khi giá thức ăn, thuốc... luôn tăng. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu từ cuối tháng 2 đã tăng lên 24.000 - 24.500 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi có lãi.

Còn trên bình diện chung, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay nhu cầu nhập khẩu cá tra của các thị trường châu Âu, Mỹ... tăng cao, nhưng sản lượng cá tra nguyên liệu trong nước lại giảm mạnh khiến DN bỏ lỡ cơ hội tăng xuất khẩu.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương đồng thời là Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã giảm công suất tới 50% do thiếu nguyên liệu. Chỉ những DN tự nuôi, chủ động được nguyên liệu mới duy trì được sản xuất.

Theo VASEP, nguyên nhân là do sản lượng cá tra nuôi trong dân giảm tới 60% so với năm trước, trong tháng 3-2014 chỉ có khoảng 60.000 tấn so với con số 150.000 tấn cùng thời điểm năm trước.

Còn theo số liệu của Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông, lâm thủy sản cả nước tháng 2 đạt trên 2 tỷ USD, đưa giá trị XK của ngành 2 tháng đầu năm 2014 lên 4,33 tỷ USD, tăng 9,4%.

Trong đó, thủy sản tiếp tục là điểm sáng, với giá trị XK ước đạt 335 triệu USD, đưa giá trị XK 2 tháng đầu năm đạt 919 triệu USD. Mỹ vẫn duy trì được vị trí là thị trường XK thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 26,67% tổng giá trị XK.

Điều này đã giúp các DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục lạc quan về những triển vọng XK trong thời gian tới.

Theo Thủy sản Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: