Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản XK tỉnh Cà Mau (CASEP) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng ngoạn mục XK thủy sản Cà Mau thời gian gần đây là do sự tăng giá trên thị trường, thị trường XK thuận lợi hơn so với trước. Các DN có XK vào Mỹ sẽ được hoàn tiền ký quỹ, tiền thuế đã nộp và không phải nộp tiền ký quỹ thời gian tới
Tăng ngoạn mục
Theo ông Lý Văn Thuận, XK thủy sản ở quý I/2013 giảm mạnh (giảm hơn 10%); trong quý II có sự phục hồi nhẹ (tăng trên 3%). Tuy nhiên, trong quý III XK có sự tăng trưởng rất ấn tượng (tăng trên 30%).
“Sự tăng lên đột biến này đã kéo kim ngạch XK 9 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cao hơn mức tăng 6,4% của XK thủy sản cả nước, nhưng chỉ mới đạt 68% kế hoạch năm (9 tháng đầu năm XK thủy sản đạt 706 triệu USD). Dự báo, nếu như XK trong quý IV diễn ra đúng như hàng năm (đạt 300 triệu USD) thì năm 2013 XK của Cà Mau sẽ đạt trên 1 tỷ USD”- ông Thuận nói.
Về mặt cơ cấu thị phần giữa các thị trường cơ bản không thay đổi. Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc vẫn giữ vị trí chủ lực, đều tăng so với cùng kỳ, chiếm 68% về lượng và 69% về giá trị, còn lại là các thị trường khác. Trong đó, tôm vẫn là mặt hàng XK chính, chiếm 88% về lượng, 95% về giá trị. Có thể nói rằng, sự gia tăng nhanh chóng sản lượng tôm chân trắng đã làm thay đổi lớn tỷ trọng sản phẩm tôm XK (thẻ chân trắng chiếm trên 40% tỷ trọng sản lượng XK).
Theo CASEP, sự thay đổi cơ cấu sản phẩm tôm XK tỉnh Cà Mau cũng là sự thay đổi cơ cấu tôm XK của cả nước. Theo CASEP, tỷ trọng giá trị tôm thẻ chân trắng 8 tháng đầu năm chiếm 46% tôm của Việt Nam. Điều này cho thấy, sức mua thị trường đã và đang có sự thay đổi lớn; nhu cầu tôm sú kích cỡ lớn, giá cao đang trong xu hướng giảm mạnh; nhu cầu tôm giá rẻ có kích cỡ nhỏ đang lên ngôi.
Cũng theo ông Thuận, giá tôm nguyên liệu trong thời gian gần đây tăng cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Nguyên nhân là do giá tôm XK tăng, kéo theo giá tôm nguyên liệu cũng tăng. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg, 30 con/kg, 40 con/kg tăng lần lượt từ 12%, 44% và 32%; đối với tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, 90 con/kg, 80 con/kg, 70 con/kg và 60 con/kg tăng lần lượt 53%, 88%, 74%, 77% và 73%.
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho biết, các DN đứng tốp đầu đều phát triển được SX kinh doanh và luôn giữ vững vị trí chủ đạo về XK thủy sản của tỉnh. Trong đó, chỉ tính riêng 4 DN dẫn đầu đã chiếm hơn 66% kim ngạch XK thủy sản toàn tỉnh.
Một số DN tốp giữa có kim ngạch XK bằng hoặc tăng lên so với cùng kỳ. Riêng các DN trước đây được xem như đóng cửa hay trên bờ phá sản như Ngọc Sinh, Nhật Đứt, Việt Hải, OFC, Minh Châu, Cadovimex… thì nay có 2 DN là Minh Châu và Cadovimex đã SX trở lại.
Thiếu tôm nguyên liệu
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trong 9 tháng đầu năm sản lượng tôm nguyên liệu của tỉnh tăng khoảng 4,6%, trong đó tôm nuôi tăng 5,4%. Tuy nhiên, việc nhập khẩu tôm nguyên liệu để SX đã tăng cao hơn cả năm 2012, nhưng các nhà máy trên địa bàn tỉnh cũng chỉ hoạt động bình quân trên 40% công suất.
Một nguyên nhân khác khiến con tôm nguyên liệu bị thiếu hụt trong giai đoạn hiện tại là do đã vào vụ sên vét ao đầm nên sản lượng SX trong dân không nhiều, cộng với việc thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua tôm khiến nạn “đói” tôm nguyên liệu tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Nếu nhìn ở gốc độ mặt bằng cung của ngành chế biến XK thủy sản của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cho thấy việc khủng hoảng đã để lại hậu quả nặng nề; thị trường XK tiềm ẩn đầy rủi ro; trong nước lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn đầy bất ổn; quản lý kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập; năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, năng lực tài chính yếu, trình độ quản lý và khả năng thích ứng đối với biển đổi thị trường của đa số DN còn yếu…
Theo ông Lý Văn Thuận, việc giá tôm tăng, nguồn cung trên thị trường giảm đã tạo ra cơ hội lớn cho các DN XK tôm của Việt Nam, nhưng không phải DN nào cũng có thể biến cơ hội này thành lợi thế. Có 2 nguyên nhân chính, một là do DN yếu kém trong công tác dự báo nên ký HĐ với đối tác số lượng lớn, giá thấp. Hai là đối với những DN có dự báo tốt thì lại không đủ khả năng dự trữ nguồn hàng do thiếu vốn.
Báo Nông nghiệp VN