Chiếm đến gần 42% tổng giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản cả nước, 8 tháng đầu năm 2013, ngành tôm đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, với mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2012 và vẫn đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành tôm không nên “ngủ quên” mà cần rốt ráo giải quyết dứt điểm các căn bệnh mãn tính của ngành.
Người nuôi lợi đơn lợi kép
Những ngày này, người nuôi tôm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang “vui như Tết”. Chưa bao giờ con tôm lại được thương lái “sủng ái”, săn đón như thế. Tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm XK như: Sóc Trăng, Cà Mau…, giá bán tôm đang nhích lên từng ngày và đạt mức giá cao nhất trong các năm gần đây. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg có giá khoảng 300.000 đồng, tôm thẻ loại 30 con/kg khoảng 210.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 40 con/kg là hơn 190.000 đồng/kg… “Tôi vừa bán vụ tôm thẻ chân trắng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 230 triệu đồng. Với đà này, chẳng bao lâu nữa, người nuôi tôm sẽ khá giả lên”, chị Lâm Thị Hà, ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết.
Ngành tôm có sự tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua.
“Vượng” về giá, niềm vui của người nuôi tôm như nhân lên khi hầu hết các vuông tôm đều được mùa, ít bị dịch bệnh gây hại. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng từ đầu năm đến nay đều tăng so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều tỉnh có sản lượng tăng cao như: Tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Long An tăng hơn 1,5 lần; tỉnh Bến Tre tăng từ 19-25%... Nhiều nhà nông cho biết, khác với các vụ trước, người nuôi tôm bị thiệt hại do tôm bị dịch bệnh, vụ này tôm ít bị dịch bệnh nên năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn/ha. Ngoài ra, do tỷ lệ đầu con/kg thấp, người nuôi đã gia tăng được lợi nhuận. Hiện tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu… đã chủ động kéo dài thời gian nuôi nhằm tăng trọng lượng tôm.
Trong khi đó, việc Bộ Thương mại Mỹ công nhận doanh nghiệp XK tôm Việt Nam không bán phá giá đang là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường, mở rộng cơ hội làm ăn. Hiện giá tôm XK vào thị trường Mỹ liên tục tăng và chỉ tính thời điểm tháng 9, giá tôm sú đã tăng thêm trung bình 3,6 USD/kg, giá tôm chân trắng tăng thêm 4,2 USD/kg. “Tháng 8 vừa qua, XK các sản phẩm chính khác đều giảm nhưng riêng XK tôm tăng hơn 66%, riêng thị trường Mỹ tăng đến gần 1,5 lần. Với đà này, chúng tôi lạc quan về XK tôm năm nay có thể đạt kim ngạch từ 2,5 - 2,6 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2012”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam nhận định.
Loạn thu mua tôm nguyên liệu
Khác với tâm trạng hân hoan của người nuôi tôm, nhiều doanh nghiệp XK đang đau đầu với bài toán thiếu nguyên liệu chế biến. Hiện tình trạng thương lái tranh nhau thu mua tôm nguyên liệu vẫn không giảm và đang gây rối thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Giá tôm nguyên liệu được đẩy lên cao nên dù giá XK có tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn không có lãi do đã lỡ ký hợp đồng với nhà nhập khẩu vào thời điểm giá thấp. “Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây tác hại không nhỏ cho ngành vì con tôm đang là “phao cứu sinh” cho XK thủy sản cả nước. Chúng tôi đã có công văn gửi ngành chức năng đề nghị kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng tận thu mua tôm nguyên liệu. Song song đó, Hiệp hội cũng sẽ tăng số lượng doanh nghiệp thủy sản có liên kết chuỗi thủy sản bền vững, đảm bảo nguyên liệu XK, có tính cạnh tranh cao…”, ông Hòe cho biết thêm.
Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho rằng, trước tình hình “loạn” thu mua tôm như hiện nay, việc kiểm tra chặt chẽ chất lượng, dư lượng kháng sinh trong tôm trước khi XK cần phải được làm nghiêm. Điều này giúp đảm bảo, duy trì thương hiệu con tôm Việt Nam và hạn chế các doanh nghiệp XK làm ăn chụp giật. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi thuế, vốn, có chiến lược cụ thể giúp doanh nghiệp xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và XK …
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, thời gian tới, tôm thẻ chân trắng tiếp tục là đối tượng nuôi chủ lực của ngành. Tuy nhiên, kế hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng phải được đặt trong sự phát triển hài hòa với con tôm sú và việc phát triển sẽ theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Về thời vụ thả nuôi, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thời tiết cụ thể để triển khai, tránh trường hợp nuôi tự phát, không kiểm soát, dễ phát sinh dịch bệnh. Ngành thủy sản đang nghiên cứu thêm những ảnh hưởng của việc nuôi tôm thẻ chân trắng đối với môi trường, đánh giá lại việc điều chỉnh mùa vụ cho các vùng khác nhau trên cả nước… giúp người nuôi và doanh nghiệp XK tôm gia tăng lợi nhuận.
Theo Báo Tin Tức