Tôm nguyên liệu tăng giá: Mừng và lo

Friday,
09/02/2018
0

Sau 2 năm đương đầu với không ít khó khăn từ dịch bệnh, giá cả và các rào cản thương mại, kỹ thuật, vụ tôm năm 2013, cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm "nhẹ thở" hơn khi tình hình dịch bệnh đã có phần lắng dịu, giá tôm liên tục tăng cao và một số rào cản được xóa bỏ. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn sẽ dễ nhận ra, đằng sau niềm vui, bóng dáng của nỗi lo đang dần hiện hữu.


Giá cao, người nuôi hưởng lợi

Năm nay, tuy mùa vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL có khả quan hơn, nhưng lượng tôm nguyên liệu ở ĐBSCL cũng chưa phải là lớn do tình hình dịch bệnh chưa khắc phục hoàn toàn. Theo kết quả thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, giá tôm từ đầu vụ đến nay đã tăng từ 22.000-72.000 đồng/kg (tùy loại) đối với tôm sú và từ 27.000-46.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng. Với mức giá trên, phần lớn hộ nuôi tôm có thu hoạch đều đạt lợi nhuận cao. Đặc biệt, từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm nguyên liệu không ngừng tăng và theo dự báo vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng mạnh trong khi một số nước nuôi tôm lớn bị thất mùa buộc một số nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam để tìm nguồn hàng bù đắp vào khoảng thiếu hụt từ một số thị trường khác.

Một tin vui khác trong vụ tôm 2013 là Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đã ra kết luận cuối cùng về việc phán quyết tôm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ không phải chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Cùng với thông tin trên, một số nước nhập khẩu khác cũng có phần nới lỏng hơn rào cản kỹ thuật đối với dư lượng một số chất cấm trong sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh ký kết hợp đồng cũng như các hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu. Ông Võ Quốc Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: "Xuất khẩu tôm năm nay diễn ra khá thuận lợi, nhất là từ tháng 7 trở về trước do khách hàng rất tín nhiệm đối với tôm của Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng". Ông Nguyễn Triệu Dõng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chế biến Thủy sản Út Xi, cho biết thêm: "Năm nay, do khan hiếm nên khi giá tôm nguyên liệu trong nước tăng mạnh, các nhà nhập khẩu cũng chấp nhận đàm phán và đồng ý bù chênh lệch giá nguyên liệu trước và sau khi ký hợp đồng. Đây là điều chưa có tiền lệ đối với các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ. Tình hình này, kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh nhiều khả năng sẽ tăng mạnh".

Doanh nghiệp lo thiếu tôm

Giá tôm nguyên liệu đứng ở mức cao từ đầu vụ đến nay và đặc biệt tăng mạnh từ giữa tháng 8. Theo các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu nên các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng cách tăng giá thu mua, nên giá tôm tăng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều bất thường là thương lái Trung Quốc sang thu gom tất cả các loại tôm, ướp đá chuyển ra biên giới phía Bắc, khiến giá tôm càng tăng mạnh ngoài dự kiến của các doanh nghiệp. Nếu như trước đây, thương lái chỉ thu mua đưa sang Trung Quốc tôm sú và tôm chân trắng cỡ lớn, thì nay họ mua cả tôm cỡ nhỏ, loại trên 100 con/kg. Những thương lái này không mua theo giá cố định mà cứ trả giá sao cho luôn cao hơn so với giá mua của doanh nghiệp trong nước từ 15-20%. Họ tới mua tận ao hoặc ở các đại lý, không hề quan tâm tới việc kiểm soát kháng sinh trong tôm nguyên liệu.

Ông Võ Quốc Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, bày tỏ: "Đây là điều rất đáng lo. Vì ngoài việc đẩy mạnh thu gom để bù đắp lượng thiếu hụt tôm nguyên liệu do vụ nuôi tôm trong nước thất bát, chúng ta vẫn chưa biết hết mục đích thương lái Trung Quốc khi thu gom tôm ồ ạt, bất kể kích cỡ, giá cả". Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), nếu bỏ qua yếu tố pháp lý, việc thương lái Trung Quốc thu mua tôm nguyên liệu giá cao là có lợi cho người nuôi tôm. Nhưng yếu tố có lợi này phải được xem xét trong điều kiện dài hạn. Liệu về lâu dài họ có còn mua tôm với giá cao nữa hay không? Chưa ai có thể khẳng định được! Chỉ biết trước mắt, các cơ sở chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu đứng trước nguy cơ vỡ hợp đồng với khách hàng, người lao động thiếu việc làm, uy tín ngành chế biến tôm đông lạnh doanh nghiệp bị sứt mẻ do khan hiếm nguồn nguyên liệu và cạnh tranh không lành mạnh của thương lái Trung Quốc.

Bài học về "thổi" giá dừa khô lên cao thời gian qua đã chứng minh cách làm ăn này của các thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, trước mắt, các doanh nghiệp chế biến buộc phải đẩy giá thu mua tôm nguyên liệu lên cao để có nguồn nguyên liệu sản xuất, công nhân có việc làm và cũng để đủ lượng hàng giao theo hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đã có các cuộc gặp gỡ với khách hàng lớn để bàn bạc tìm sự đồng thuận.



Báo Cần Thơ
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: