Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã tăng hơn 1.400 ha nuôi tôm công nghiệp, chủ yếu là ngoài vùng quy hoạch. Việc tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch kéo theo nhiều hệ luỵ về kiểm soát dịch bệnh.
Lượng Chlorine hỗ trợ công tác dập dịch thiếu, dịch bệnh tăng cao, lực lượng cán bộ thú y các huyện quá ít đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý dịch bệnh ở cơ sở.
Huyện Cái Nước, Phú Tân và Đầm Dơi là những địa phương có diện tích tôm công nghiệp được mở rộng nhanh nhất. Đến thời điểm này huyện Phú Tân đã có 1.815 ha tôm công nghiệp, vượt kế hoạch hơn 500 ha. Diện tích tăng, dịch bệnh cũng vì thế mà tăng theo.
Vùng nuôi tôm công nghiệp ở địa phương xuất hiện hơn 36 ha tôm bị chết, Trạm Thú y huyện Phú Tân đã xuất 12,3 tấn chlorine để dập dịch. Chỉ 3 tháng đầu năm mà lượng Chlorine hỗ trợ cho công tác dập dịch đã bằng cả năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì cũng chẳng còn Chlorine để hỗ trợ cho người nuôi tôm.
Ông Lương Văn Sơn, Phó Trưởng Trạm Thú y huyện Phú Tân, cho biết: “Năm nào cũng hết Chlorine nên ở đây ứng phó bằng cách hỗ trợ kỹ thuật cho người dân thôi Chlorine thì người dân tự mua để dập dịch”.
Nguy cơ bùng phát dịch trên tôm
Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp 63 tấn Chlorine để dập dịch cho 173 ha tôm nuôi bị bệnh. Do diện tích tôm nuôi công nghiệp tăng quá nhanh nên việc làm tờ trình hỗ trợ Chlorine từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chậm, dẫn đến tình trạng thiếu Chlorine cục bộ vào tháng giao mùa, dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện Chlorine đã hết, chúng tôi làm thủ tục xin 100 tấn và mua thêm 20 tấn mới mong đáp ứng được nhu cầu. Bùng phát nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch đã gây ra quá nhiều khó khăn cho chúng tôi trong quản lý dịch bệnh”.
Lượng Chlorine hỗ trợ chỉ mang tính chất nâng cao ý thức người nuôi trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do có một số lần báo với địa phương mà không có Chlorine hỗ trợ nên một số hộ dân tự ý xử lý và thải nước ra bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, thừa nhận: “Có khi tôi cũng có báo mà không có Chlorine nên tự xử lý, ban đầu cũng không rành quy trình lắm, chủ yếu là làm đại, từ từ rồi cũng biết, làm kỹ hơn”.
Ông Nguyễn Văn Cây, cán bộ thú y huyện Cái Nước, cho biết, một số người lợi dụng ban đêm để xả nước có mầm bệnh ra sông. Ở đây nuôi tôm công nghiệp nhiều chứ hộ có ao lắng để chứa bùn sau khi xử lý thì hầu như không có. Địa phương cũng có phạt nhưng mức phạt còn thấp hơn tiền mua Chlorine để xử lý nên người dân vẫn “chịu đấm để ăn xôi”.
Trước thực trạng bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài vùng quy hoạch, chính quyền địa phương đang rất lo lắng việc phát tán các mầm bệnh trong nước sẽ lây lan đến đối tượng nuôi tôm quảng canh truyền thống hoặc quảng canh cải tiến.
Ông Trịnh Trung Hiếu, Bí thư Chi bộ ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, thừa nhận: “Thấy bà con làm ăn được chúng tôi mừng lắm, đâu có dám cản, tuy nhiên một số hộ thiếu ý thức xả nước ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến những hộ khác. Vấn đề này làm đau đầu chúng tôi nhiều lắm, có khi một ngày đi tới đi lui trong ấp mấy lần để nghe ngóng coi ai có tôm chết để đến động viên họ xử lý dịch bệnh”.
Huyện Cái Nước và Phú Tân có hàng ngàn héc-ta nuôi tôm công nghiệp, ngày cao điểm có đến hàng chục héc-ta tôm bị bệnh được chính quyền địa phương báo lên.
Tuy nhiên, mỗi trạm thú y ở huyện Cái Nước và Phú Tân chỉ có 2 cán bộ phụ trách về dịch bệnh thuỷ sản. Đây sẽ là mối nguy hiểm chực chờ nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Cây cho biết thêm: “Thực ra con số tôm bệnh được người dân báo với địa phương chỉ chiếm khoảng 1% thôi. Đa số người dân tự xử lý. Chính điều này đã làm cho vấn đề kiểm soát dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”.
Hiện Cà Mau đang vào chính vụ nuôi tôm công nghiệp, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh. Trong khi đó, Chi cục Thú y tỉnh đã không còn Chlorine để xử lý dịch bệnh ở ao nuôi.
Trong cuộc họp sơ kết quý I của UBND tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử hứa với các địa phương là sẽ gấp rút trình lên Bộ để xin được hỗ trợ Chlorine cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Hy vọng rằng thuốc sẽ được về trong nay mai để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan…
Báo Cà Mau