Tôm sinh thái đang phát triển mạnh

Saturday,
21/04/2018
0

Nuôi tôm sinh thái tận dụng những điều kiện tự nhiên dưới tán rừng phòng hộ ven biển như: nguồn nước từ biển khơi, lại được hệ thống rễ cây rừng lọc sạch nên tôm nuôi ít bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon, thị trường rất ưa chuộng, bán được giá cao...

Tôm - rừng kết hợp

Đặc trưng nuôi tôm sinh thái ven biển là trong vuông tôm luôn có rừng che phủ (chủ yếu là cây đước, mắm), mật độ rừng chiếm khoảng 60-70% diện tích, phần diện tích mặt nước còn lại người dân tận dụng nuôi tôm và một số loài thủy sản khác.

Nuôi tôm sinh thái ven biển

Khi cây trong vuông tôm lâu ngày khép tán thì tỉa thưa bớt để đủ không gian trống bên dưới con tôm phát triển. Do mô hình rừng tôm kết hợp nên môi trường nuôi ở đây trong trẻo, con tôm ít dịch bệnh và hiệu quả bền vững lâu dài.

Tại Kiên Giang, chương trình giao khoán rừng phòng hộ kết hợp với nuôi trồng thủy sản đã được tỉnh quyết định thực hiện hơn chục năm qua. Hiệu quả của chương trình này là vừa góp phần bảo vệ rừng vừa tăng thu nhập cho hộ nhận khoán từ các loài thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết: “Do nuôi quảng canh truyền thống, tận dụng lợi thế tự nhiên nên năng suất của vùng này không cao. Năm 2016, sản lượng tôm thu hoạch trong vùng hơn 1.200 tấn, cua biển 940 tấn, sò huyết 1.000 tấn. Nhưng bù lại chi phí đầu tư thấp, thủy sản thu hoạch có chất lượng, đầu ra thuận lợi”.

Cà Mau là tỉnh có 2 mặt giáp biển, với tuyến rừng phòng hộ trải dài từ biển Tây sang biển Đông. Đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển nghề nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Hiện Sở NN-PTNT Cà Mau đã triển khai liên kết và cấp giấy chứng nhận 12.400 ha tôm sinh thái với sự tham gia 2.500 hộ dân.

Ông Nguyễn Nam Cường, Tổ trưởng nuôi tôm sinh thái số 25 tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, chia sẻ: “Nuôi tôm sinh thái theo quy chuẩn của các tổ chức quốc tế tốn công hơn bình thường. Nhưng bù lại tôm ít bị dịch bệnh và điều quan trọng nhất là giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Vì con tôm nuôi theo mô hình sinh thái bán giá cao hơn 10% so với tôm nuôi theo quy trình bình thường”.

Tôm nuôi sinh thái chất lượng thịt thơm ngon, thị trường rất ưa chuộng, giá bán cao hơn 10%

Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững”. Qua đó, đã cấp chứng nhận nuôi tôm sinh thái cho hơn 1.400 hộ dân với diện tích gần 5.491 ha.

Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, ông Tạ Minh Mẫn, cho biết: “Nghề nuôi tôm sinh thái đang phát triển mạnh và được người dân tích cực tham gia. Vì có nhiều cái lợi như được tập huấn về kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, giá bán cao hơn và được hỗ trợ trồng rừng. Còn doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng được lợi vì có nguồn nguyên liệu sạch”.

Xây dựng thương hiệu

Ngành thủy sản mà đặc biệt là con tôm nước lợ được nhiều địa phương ven biển vùng ĐBSCL như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và chủ lực của tỉnh. Tại Cà Mau, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu con tôm) chiếm 80% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và chiếm khoảng 1/3 giá trị xuất khẩu của cả nước về con tôm.

Nuôi tôm sinh thái tận dụng những điều kiện tự nhiên dưới tán rừng phòng hộ ven biển

Huyện An Minh (Kiên Giang) có khoảng 5.500 ha thuộc vùng chuyên nuôi trồng thủy sản và dưới tán rừng phòng hộ. Các hộ dân nhận khoán đất rừng được khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi tôm sú, cua biển, sò huyết... trong đó tôm sú là đối tượng nuôi chính, có giá trị kinh tế cao.

Ngoài mô hình nuôi tôm sinh thái, Cà Mau cũng tập trung đẩy mạnh mô hình nuôi tôm – lúa quảng canh cải tiến, tôm công nghiệp tập trung ở những nơi có cơ sở hạ tầng đầy đủ, nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn lực kinh tế, kỹ thuật phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh năng suất cao… đi theo hướng diện tích nuôi nhỏ nhưng sản lượng lớn.

Theo ông Sử, hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp nói chung và con tôm nói riêng là sự liên kết chưa chặt chẽ, chưa tổ chức thành một chuỗi để nâng cao tính cạnh tranh, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn.

Tới đây, nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên việc tổ chức lại sản xuất của ngành tôm là việc tất yếu phải làm. Theo đó phải xây dựng được thương hiệu và tổ chức theo chuỗi giá trị để nâng cao tính cạnh tranh.

Thương hiệu “con tôm Cà Mau” hiện đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với thị trường chính là Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc. Hiện nay, có nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận tôm sinh thái: IMO, EU, CU...

Tổng Thư ký Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) Ngô Thanh Lĩnh, nhận định: “Xu hướng tiêu dùng hiện nay và trong thời gian tới là chuộng những thực phẩm sạch, sinh thái và an toàn vì vậy mô hình nuôi tôm sinh thái sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Và khi gia nhập TPP, FTA các doanh nghiệp không được chứng nhận vùng nuôi sẽ không thể xâm nhập thị trường”.

+ Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch tỉnh Cà Mau:

Chúng tôi xác định chọn những lĩnh vực có lợi thế hơn hẳn với người ta và con tôm sinh thái của Cà Mau có những yếu tố hội đủ điều đó. Cà Mau diện tích rừng ngập mặn rộng lớn, có sẵn mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.

Chỉ có điều hiện nay cần tổ chức lại, đưa khoa học, quy trình nuôi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế vào để được công nhận. Điều này có nghĩa sản phẩm tôm này đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, châu Âu.

+ Bà Phan Thanh Giàu (ấp Nhưng Miên, xã Viên An Đông, Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết:

Nghề nuôi tôm sinh thái đã được người dân thực hiện hàng chục năm qua. Trước đây, người nuôi tôm chủ yếu là mua giống về thả xuống và đóng cống đợi tôm lớn rồi thu hoạch.

Nhưng bây giờ quy trình nuôi có khác, mọi thứ phải ghi sổ. Tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm soát dịch bệnh, quy trình thả nuôi, chăm sóc, thu hoạch sản lượng bao nhiêu đều phải ghi lại hết.

Nguồn: Báo Mới

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: