Tôm thẻ chân trắng “lấn sân” tôm - lúa

Friday,
09/02/2018
0

Việc “xé rào” thả nuôi TCTT không những phá vỡ quy hoạch mà còn làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.


Nông dân các huyện vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) lén lút thả nuôi tôm thẻ chân trắng (TCTT) quảng canh trong vùng tôm - lúa. TCTT là loài ngoại lai, chỉ được phép thả nuôi theo hình thức thâm canh công nghiệp. Việc “xé rào” thả nuôi TCTT không những phá vỡ quy hoạch mà còn làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.

Lén lút thả nuôi TCT trong vùng tôm - lúa làm tăng nguy cơ dịch bệnh
 

Các huyện vùng U Minh Thượng gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần Gò Quao là vùng SX tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) chính của tỉnh Kiên Giang với diện tích khoảng 80.000 ha, với đối tượng nuôi là tôm sú. Thế nhưng, từ vụ thả nuôi năm 2013, nhiều hộ thả nuôi hàng trăm ha TCTT không đúng quy định.

Cụ thể, qua kiểm tra của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang, trong năm 2013 đã phát hiện người dân ở 3/5 huyện vùng U Minh Thượng thả nuôi tôm thẻ TCT tự phát trên ruộng lúa với tổng diện tích 570,7 ha, trong đó nhiều nhất là huyện Vĩnh Thuận 329,2 ha; Gò Quao 199,3 ha; U Minh Thượng 42,2 ha.

Ngoài ra, tại TP Rạch Giá người dân cũng thả nuôi 26 ha TCTT dù không nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm. Tôm TCTT được người dân thả nuôi trên ruộng lúa với mật độ 0,5 - 6 con/m2, năng suất đạt từ 373 - 1.218 kg/ha, cao gấp 3 lần năng suất tôm sú. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ nuôi có hiệu quả thì nhiều hộ cũng bị thiệt hại nặng nề do tôm TCT nhiễm bệnh chết hàng loạt.

Sau khi phát hiện người dân nuôi TCT tự phát, các ngành chức năng đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời yêu cầu làm cam kết không được thả nuôi tiếp. Thế nhưng, vụ nuôi 2014, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn và diện tích có xu hướng ngày càng mở rộng.

Ông Trịnh Tài Mon, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Vĩnh Thuận cho biết, đến thời điểm này nông dân đã thả nuôi được 20.738 ha tôm - lúa, đang trong giai đoạn từ 5 - 95 ngày tuôi, phát triển bình thường, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đã có 213 ha được người dân mua giống TCT về thả nuôi thay vì thả nuôi tôm sú theo quy định, chủ yếu tập trung ở 2 xã Vĩnh Bình Bắc và Vĩnh Bình Nam.

Theo ông Mon, nguyên nhân thả nuôi TCTT tự phát là do nông dân ham lợi nhuận, thời gian qua giá tôm thương phẩm tăng mạnh, trong khi đó loài tôm này có thời gian sinh trưởng ngắn và có thể thả nuôi với mật độ dày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số những hộ thả nuôi TCTT quảng canh không hiệu quả do đây là đối tượng nuôi mới, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên dễ xảy ra dịch bệnh.

“Việc thả nuôi TCTT không theo quy định là rất nguy hiểm, dễ làm lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Cái khó hiện nay là không có chế tài xử phạt. Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền cho người dân về quy hoạch, về pháp luật thủy sản để họ hiểu và tuân thủ. Những hộ cố tình vi phạm thì chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản, buộc làm cam kết không được thả nuôi tiếp”, ông Mon cho biết.

Ông Sáu Ph. một hộ xé rào thả nuôi TCTT tâm sự: “Biết là thả nuôi TCT theo hình thức quảng canh là sai nhưng nghe nói một số hộ ở nơi khác thả nuôi hiệu quả nên cũng liều làm đại. TCTT có giá thành thấp hơn tôm sú nhưng do thời gian nuôi ngắn, sản lượng cao nếu thành công thì lợi nhuận đạt cao hơn hẳn”.

Tương tự, tại huyện An Minh, qua kiểm tra cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều hộ lén lút thả nuôi TCTT trong mô hình tôm - lúa. Theo Trưởng phòng NN&PTNT An Minh Võ Hoàng Việt, đến nay đã phát hiện người dân thả nuôi 94,2 ha TCTT, rải rác ở tất cả các xã trong huyện, trong đó nhiều nhất là xã Thuận Hòa với 35,5 ha. Chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu các hộ dân này không được tự ý thả nuôi tiếp.

Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, qua quá trình kiểm tra, phúc kiểm tôm giống nhập tỉnh, đoàn thanh tra đã phát hiện 3 trường hợp vận chuyển giống TCTT với số lượng 2,7 triệu con từ Bạc Liêu, Ninh Thuận về cung cấp cho các hộ nuôi tôm ở vùng U Minh Thượng.

Đoàn đã lập biên bản vi phạm và đề nghị chủ hàng cam kết vận chuyển tôm giống về lại nơi xuất phát hoặc chỉ được cung cấp cho các cơ sở được Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang cấp phép được nuôi TCTT. Đồng thời cam kết không được vận chuyển TCTT cung cấp cho các hộ nuôi tôm - lúa và các hộ nuôi tôm chưa đủ điều kiện nuôi tôm TCTT theo quy định.

Cũng theo ông Xuyên, thực tế cho thấy tình hình nuôi TCTT tự phát diễn ra rất khó kiểm soát ở vùng U Minh Thượng, do nhu cầu con giống trong dân ngày càng nhiều nên các thương lái bằng mọi cách né tránh tổ kiểm dịch để cung cấp tôm giống cho người nuôi.

>> Theo ghi nhận hiện nay đã có hàng trăm ha nuôi tôm TCT trong vùng quy hoạch luân canh tôm - lúa ở các huyện vùng U Minh Thượng và khả năng sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, kiểm dịch giống, kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật để xử lý, gây khó khăn cho đoàn kiểm tra và quản lý của địa phương về việc mua bán giống thủy sản vào vùng, cơ sở chưa được phép nuôi loài thủy sản này.



Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam


 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: