Sự suy giảm của ngành tôm năm 2015 chủ yếu tập trung vào tôm thẻ chân trắng. Việc giảm sản lượng và giá tôm thẻ đã được ngành nông nghiệp dự báo, nay thành hiện thực.
Tâm sự với chúng tôi, một số người nuôi tôm ở ĐBSCL nói rằng việc khuyến khích nuôi TTCT với mật độ dày cuối cùng chỉ lợi cho người bán giống, thức ăn. Theo tính toán của người dân, việc họ nuôi tôm sú quảng canh và với mật độ vừa phải tuy không giúp người dân làm giàu nhanh nhưng lại cho thu nhập ổn định và người dân không phải vay mượn, thế chấp ngân hàng nhiều. "Vua tôm" Sáu Ngoãn, một người nuôi tôm kỳ cựu nói với chúng tôi rằng nhiều người khuyên nông dân nên nuôi thả mật độ dày, nhưng đầu ra cho sản phẩm thế nào thì không ai đảm bảo cho họ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát mới đây cũng đã ghi nhận mô hình lúa - tôm cho năng suất 5 tạ, thậm chí 1 tấn tôm sú trên 1 ha. Bộ trưởng cho biết: "Rất nhiều doanh nghiệp gặp tôi đều nói, nếu Việt Nam có tôm sinh thái, cụ thể là tôm sú nuôi theo cách chúng ta đang nuôi thì họ sẵn sàng tiêu thụ toàn bộ. Trong lúc khó khăn thì cửa thị trường này vẫn đang rộng mở. Vấn đề chúng ta giúp cho dân biến những ý tưởng và những mô hình đó trở thành diện rộng". Thực tế thì từ khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng bùng nổ, nhiều người dân đã bỏ tôm sú để nuôi tôm thẻ mật độ dày, theo gợi ý của các công ty giống và thức ăn. Do vậy, việc nuôi tôm sinh thái cứ dẫm chân tại chỗ với các mô hình và ý tưởng.
Ảnh: Hoàng Trong
Như vàng mười không sợ lửa, tôm sú Việt Nam cũng vậy. Năm 2015 đánh giá sự sụt giảm thê thảm của tôm thẻ chân trắng cả về diện tích, sản lượng và giá thì ngược lại, diện tích tôm sú vẫn 603.000 ha, tương đương diện tích năm 2014 và tăng nhẹ về sản lượng với mức tăng 1,6%.
Một dấu hiệu lạc quan là diện tích tôm - lúa ĐBSCL đã tăng 30%; năng suất trung bình đã lên 500 kg/ha (so với 300 kg/ha trước đây) trong năm 2015.
Đây là lúc người ta phải tư duy vấn đề "bản sắc" trong ngành nông nghiệp, đó là phục hưng ngành tôm sú và xây dựng thương hiệu tôm sú Việt Nam. Định hướng nâng tổng diện tích tôm - lúa lên trên 200.000 ha được xem là đáp ứng nguyện vọng số đông nông dân.
Theo các nhà kinh tế học thì việc duy trì sự ổn định trong thu nhập và công ăn việc làm đối với người nông dân phải là yếu tố cơ bản của ngành nông nghiệp, chứ không phải đuổi theo siêu lợi nhuận. Nuôi tôm công nghiệp được hứa hẹn có thể khiến người nuôi giàu có nhanh hơn buôn bất động sản, song rủi ro quá lớn. Việc sút giảm 1 tỷ USD xuất khẩu tôm trong năm 2015 mà chủ yếu là xuất khẩu TTCT đã cho thấy rủi ro trong nuôi TTCT và việc suy giảm diện tích nuôi TTCT bắt nguồn từ đó.
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đang là xu hướng chính của các nước phát triển và mục tiêu giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng chính là cách để người nông dân yên tâm bám ruộng đồng và tìm thấy niềm tin trong nghề nông của mình.
Theo Thủy sản Việt nam