Tôm thiếu nước, người nuôi gặp hạn

Thursday,
08/02/2018
0

Những ngày đầu năm 2013, nhất là trong tháng 3, diễn biến thời tiết có nhiều bất lợi, mưa ít, nắng nhiều, gây khó khăn lớn cho người nuôi trồng thủy sản, nhất là người nuôi tôm.


Bất lợi từ thời tiết

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến tháng 5; riêng khu vực miền Trung và một số tỉnh Tây Nguyên sẽ kéo dài đến tháng 7, tháng 8. Những tháng tới, các khu vực này có mưa nhưng lượng mưa không đáng kể; tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Theo phản ảnh của nhiều địa phương, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng rất lớn tới nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Cà Mau là một trong những địa bàn nuôi tôm lớn nhất nước, nhưng năm nay, do nắng hạn kéo dài, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, nặng nhất là các huyện Đầm Dơi, Cái Nước (đây là hai huyện có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh, trên 100.000 ha). Nơi đây năm nay mùa khô đến sớm, nắng nóng gay gắt nên nước các ao đầm nuôi tôm bị cạn sớm hơn so những năm trước. Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích nuôi tôm 290.000 ha, nhưng chỉ có 5.000 ha nuôi công nghiệp, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến, tất cả đều phụ thuộc thời tiết; vào mùa khô thiếu nước, người nuôi tôm luôn bị động. Theo Sở NN&PTNT, hàng trăm hộ dân thả tôm nuôi trái vụ đầu năm 2013 đều thiệt hại, dự báo năm 2013 nuôi tôm càng nhiều khó khăn.

http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/KHMT/z300-Thuy-san-Viet-Nam2064.jpg

Nỗi xót xa khôn tả - Ảnh: Thanh Nhã

Tại Bạc Liêu, nắng hạn gay gắt gây thiệt hại nặng cho diện tích tôm nuôi. Toàn tỉnh có hơn 5.000 ha tôm nuôi quảng canh bị thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước mặn bơm vào vuông tôm. Các huyện có diện tích tôm nuôi bị ảnh hưởng lớn là Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai. Kỹ sư Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: Hiện, mỗi ngày tại huyện này có hàng chục ha tôm nuôi bị thiệt hại và chỉ trong gần một tháng qua, toàn huyện đã có 1.500 ha tôm bị chết. Mực nước tại vuông tôm chỉ còn 40 cm, trong khi thông thường mực nước tối thiểu cũng phải 60 cm trở lên. Mực nước xuống thấp cộng với nắng nóng gay gắt khiến tôm nuôi không cầm cự được.

Cách nào giảm thiệt hại

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, vụ tôm năm nay, tỉnh tập trung cải tạo và xây dựng một số dự án công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống mương nổi để chủ động cung cấp nước sạch và thoát nước khi cải tạo ao đầm... Về lâu dài, Tỉnh huy động các nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi mặn ở những vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư đường ống dẫn nước từ biển vào ao đầm nuôi tôm, đảm bảo có nguồn nước sạch; đầu tư lưới điện 3 pha... để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi công nghiệp.

Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, những ngày đầu tháng 4/2013, nông dân huyện này thả nuôi được 600/4.100 ha tôm, dịch bệnh xuất hiện làm chết hơn 10% diện tích. Ngành chuyên môn khẩn trương khuyến cáo nông dân tạm ngưng xuống giống, chờ nhiệt độ giảm mới thả tiếp, nhằm hạn chế thiệt hại.

>> Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm quý I/2013 của 10 tỉnh trọng điểm nuôi tôm cả nước ước đạt 492.438 ha. Nhưng do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá cao... nên một số địa phương đã xuất hiện tình trạng tôm chết với triệu chứng bệnh thân đỏ, đốm trắng, hoại tử gan tụy...; diện tích bị bệnh 6.493 ha, chiếm 1/3 diện tích thả nuôi.


Theo Thủy sản Việt nam

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: