Sau một thời gian trồi sụt trước và sau Tết Giáp Ngọ, giá tôm đã đồng loạt tăng cao trở lại. Tuy nhiên, những dự báo cho thấy ngành tôm có thể sẽ gặp bất lợi trong một vài tháng tới.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, gần đây, giá tôm trên địa bàn tỉnh này có mức tăng rất ấn tượng. Tôm sú loại 20 con/kg đã tăng thêm 10.000 đ/kg để lên mức 300.000 đ/kg vào ngày 13/2.
Cũng trong ngày 13/2, tôm sú loại 30 con/kg có giá 245.000 đ/kg (tăng 15.000 đ/kg), loại 40 con/kg có giá 225.000 đ/kg (tăng 20.000 đ/kg). Những mức giá này mới chỉ ngang hoặc còn thấp hơn một chút so với mức già đỉnh điểm hồi đầu tháng 1, nhưng cũng đã là sự khích lệ lớn đối với những hộ nuôi tôm sú.
Với con tôm thẻ chân trắng, thời gian qua, giá tôm ở các kích cỡ khác nhau đều tăng nhẹ 2.000 đ/kg, qua đó, đưa giá tôm thẻ loại 100 con/kg lên 112.000 đ/kg, loại 90 con/kg giá 122.000 đ/kg, loại 80 con/kg giá 132.000 đ/kg, loại 70 con/kg giá 142.000 đ/kg và loại 60 con/kg giá 152.000 đ/kg. Mức tăng này tuy chưa cao nhưng cũng đem lại nhiều hy vọng hơn cho con tôm thẻ chân trắng sau khi liên tục giảm giá kể từ hồi đầu năm đến nay.
Giá tôm trong nước tăng trở lại, ngoài việc do nhiều DN đã đẩy mạnh thu mua trở lại để phục vụ chế biến XK, còn có sự hỗ trợ từ sự thuận lợi về giá cả trên thị trường tôm thế giới. Chẳng hạn, trong tuần đầu tháng 2, tại thị trường Mỹ, với tôm HLSO (tôm bỏ đầu nhưng phần vỏ của thân và đuôi để nguyên): Giá tôm sú chất lượng cao cỡ 4/6-16/20 đều tăng từ 0,05-0,1 USD/pao; giá tôm thẻ nuôi có nguồn gốc từ châu Á, xẻ lưng cỡ 16/20 và 21/25 tăng 0,05 USD/pao, cỡ 13/15 tăng tới 0,2 USD/pao. Với tôm PD (tôm lột vỏ, lấy chỉ): Tôm sú từ ASEAN (chủ yếu là từ Việt Nam), chín, để đuôi các cỡ 13/15 và 16/20 tăng 0,05-0,2 USD/pao; tôm thẻ Châu Á, chín, để đuôi cỡ 6/8-13/15 tăng 0,1-0,3 USD/pao …
Hiện tại, giá tôm thành phẩm XK của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, qua đó tiếp tục hỗ trợ tốt cho giá tôm thu mua trong nước trong những tuần tới. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại, nhất là từ Thái Lan. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho hay, Thái Lan đã phục hồi trở lại sau đại dịch EMS trên tôm hồi năm ngoái.
Đến thời điểm này, tôm thẻ chân trắng ở Thái lan đã thả nuôi được 45 ngày và cho thấy sự ổn định. Do đó, nhiều khả năng trong thời gian ngắn sắp tới, Thái Lan sẽ thu hoạch được một lượng tôm thẻ chân trắng không nhỏ, qua đó gây sức ép về giá đối với tôm thẻ chân trắng Việt Nam trên thị trường thế giới. Khi ấy, trong vòng 1-2 tháng, giá tôm XK của Việt Nam có thể bị giảm xuống, không còn ở mức hấp dẫn như hiện nay.
Trong khi đó, việc thả nuôi tôm vụ mới ở ĐBSCL lại đang gặp nhiều bất lợi về thời tiết. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, bất lợi lớn nhất là nhiệt độ năm nay ở ĐBSCL xuống khá thấp. Chưa bao giờ nhiệt độ ở khu vực này lại xuống dưới 20oC như năm nay. Điều này gây bất lợi và rủi ro lớn cho tôm nuôi. Chính vì thế, mới đây, Bộ NN-PTNT đã phải gửi công văn đề nghị các tỉnh ĐBSCL tạm dừng việc thả nuôi tôm.
Dẫu vậy, vẫn còn có những hy vọng cho con tôm Việt Nam. Bởi theo ông Nguyễn Huy Điền, ở Trung Quốc (một trong những nước nuôi tôm lớn nhất và là thị trường lớn của tôm Việt Nam), dịch bệnh EMS vẫn chưa khắc phục được và đang tiếp tục gây hại nặng nề. Năm ngoái, phần nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng cao, phần do ảnh hưởng bởi EMS, Trung Quốc đã phải gia tăng mạnh việc NK tôm từ nhiều nước, nhất là Việt Nam.
Năm 2013, ước giá trị tôm Việt Nam XK sang Trung Quốc đã đạt khoảng 400 triệu USD. Giá tôm XK sang Trung Quốc trong mấy năm trở lại đây lại ổn định trong khoảng 7,5-8,5 USD/kg và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
Do đó, tuy nuôi tôm ở Thái Lan đã phục hồi trở lại, nhưng nhờ những khó khăn lớn từ nghề nuôi tôm ở Trung Quốc, con tôm Việt Nam có thể sẽ bị giảm giá trong một vài tháng tới, nhưng trong cả năm nay, giá tôm vẫn sẽ ở mức khá, và tôm sẽ tiếp tục là sản phẩm XK số 1 của ngành thủy sản.
Báo Nông Nghiệp VN