Nhật Bản là nước NK tôm lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 14% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới tính đến năm 2017. Mỗi năm, Nhật Bản NK khoảng 2,5 tỷ USD. Trong 10 năm (2008-2017), NK tôm của Nhật Bản đạt cao nhất vào năm 2011 với gần 3 tỷ USD và duy trì ở mức cao từ năm 2012 đến 2014. Sau đó, NK giảm dần trong năm 2015 và 2016 do xu hướng giới trẻ Nhật thích ăn thịt hơn. Tuy nhiên, năm 2017, nhu cầu NK tôm của Nhật Bản đã phục hồi.
Tám tháng đầu năm 2018, NK tôm vào Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong top 6 nguồn cung tôm chính cho Nhật Bản, NK tôm từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tăng nhẹ trong khi NK từ Việt Nam, Argentina, Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tám tháng đầu năm nay, NK tôm vào Nhật Bản giảm do tồn kho cao từ đầu năm, biến động tỷ giá đồng yên. Các nguồn cung như Trung Quốc, Argentina giảm mạnh XK tôm sang Nhật do nguồn cung tôm sụt giảm ở các nước này.
Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 25,7% tổng giá trị NK tôm vào nước này. Thái Lan đứng thứ hai chiếm 18,9%, tiếp đó là Indonesia với 16% và Ấn Độ với 12,6%. Vị trí các nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản không thay đổi từ năm 2015. Giá trung bình NK tôm từ Việt Nam cao nhất (12 USD/kg) trong top các nhà cung cấp chính nên Việt Nam phải cạnh tranh về giá với các nhà cung cấp khác trên thị trường này (Indonesia: 11 USD/kg; Thái Lan: 11,5 USD/kg, Ấn Độ: 9,5 USD/kg...)
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính tới tháng 9 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 453,3 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2017. Nhật Bản hiện là thị trường NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm 17,3% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường.
Chín tháng đầu năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản chỉ tăng duy nhất trong tháng 1, các tháng còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị XK tôm sang Nhật Bản giảm một phần do biến động tỷ giá đồng yên và sự cạnh tranh gay gắt của các nguồn cung đối thủ là Ấn Độ và Thái Lan. Ấn Độ do XK sang EU gặp khó khăn nên tăng cường XK sang Nhật Bản.
Trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản nhờ những lợi thế so với các nguồn cung khác trên thị trường Nhật Bản. Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008 và Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009 giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất về thuế quan cho XK thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản. Đối với AJCEP, ngay sau khi có hiệu lực năm 2009, các sản phẩm tôm đã được hưởng thuế suất 0%.
Các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt thời gian tới do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển khi số người độc thân gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm. Để đẩy mạnh XK tôm sang Nhật Bản, DN nên đổi mới phương thức tiếp cận thị trường cùng với quảng bá mạnh mẽ hơn nữa thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Nhật Bản là thị trường luôn đề cao chất lượng sản phẩm, DN nên coi đây là yếu tố then chốt để giữ vững thị trường này.
Nguồn: VASEP