Trà Vinh: Tăng cường quản lý, sản xuất tôm nuôi nước lợ 4 tháng cuối năm 2015

Tuesday,
13/02/2018
0

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 17/9/2015 về việc tăng cường quản lý, sản xuất tôm nuôi nước lợ các tháng cuối năm 2015.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2015_09/p1000517.jpg

Theo Chỉ thị, từ đầu năm 2015 đến nay, tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh phải đối mặt với những khó khăn như, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá thị trường không ổn định, dịch bệnh xảy ra liên tục gây thiệt hại trên tôm nuôi, tổng diện tích bị thiệt hại đến nay 5.297 ha, chiếm khoảng 22% diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch đến nay được 24.898 tấn, chỉ đạt 61,5% kế hoạch. Lịch mùa vụ thả nuôi năm nay đã kết thúc vào tháng 8/2015, tuy nhiên, do lượng mưa từ đầu vụ đến nay tương đối ít, một số vùng ven biển thả nuôi tập trung của tỉnh vẫn duy trì được độ mặn thích hợp cho tôm nuôi nước lợ nên người dân sẽ tiếp tục thả giống trong những tháng cuối năm 2015. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thời tiết còn diễn biến phức tạp, nhiệt độ thay đổi thất thường, chênh lệch ngày và đêm cao, mưa bão sẽ xảy ra, các yếu tố môi trường dễ biến động làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh, người nuôi sẽ còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh cho tôm, ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu.

Trước tình hình trên, để đảm bảo triển khai kế hoạch sản xuất tôm nước lợ đạt được hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ từ nay đến cuối năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng theo Hướng dẫn số 76/HD-SNN về Quy trình nuôi tôm sú và tôm chân trắng áp dụng cho mùa vụ nuôi năm 2015 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Cụ thể: Nuôi tôm cần có ao lắng để thuận lợi cho việc cấp và thay nước cho ao nuôi, áp dụng các phương pháp sinh học trước khi thả tôm bằng chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo sức khỏe tôm nuôi cũng như trong quá trình quản lý và giữ cho môi trường ổn định; lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện ương tôm giống trước khi thả nuôi thương phẩm, nên thả giống khi nhiệt độ nước nằm trong khoảng 28 - 32 0C; thả nuôi với mật độ hợp lý (tôm sú: 8 - 25 con/m2, tôm chân trắng: 30 - 80 con/m2); nuôi kết hợp với cá rô phi, cá măng hoặc cá đối nhằm giúp sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn thừa, ổn định môi trường ao nuôi; quản lý thức ăn phải phù hợp, tránh dư thừa thức ăn, nhất là những ngày mưa bão, nhiệt độ xuống thấp, gây ô nhiễm môi trường và để giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cần duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3m trở lên, nếu cần cấp bổ sung nước nên lấy từ ao lắng và xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời tăng cường quạt nước nhằm tránh sự phân tầng nhiệt độ và cung cấp đủ nhu cầu oxy cho tôm nuôi; chỉ đạo đơn vị chuyên môn tiếp tục thực hiện kiểm dịch giống tôm nước lợ phục vụ thả nuôi đến cuối năm; thực hiện tốt quan trắc, cảnh báo môi trường và thu mẫu giáp xác tại các cửa sông đầu nguồn vùng nuôi tôm trọng điểm; thu mẫu tôm, nghêu, nước trong ao nuôi... phân tích các chỉ tiêu thủy lý, hóa, sinh và mầm bệnh, thông báo kịp thời đến người nuôi và địa phương;

Tăng cường thanh tra chuyên ngành, chủ động thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra lấy mẫu sản phẩm, hàng hóa là thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và địa phương thanh tra, kiểm tra và xử lý các đối tượng sản xuất kinh doanh, vận chuyển giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ xuất xứ nguồn gốc; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ trình UBND tỉnh phê duyệt trước tháng 10/2015 đảm bảo đủ kinh phí để triển khai có hiệu quả.

Hướng dẫn và phối hợp với địa phương quản lý, sử dụng lượng hóa chất chlorine đã cấp đúng theo qui định khi có dịch bệnh xảy ra; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các qui định trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ qui định của cơ quan chức năng trong lĩnh vực thủy sản. Tuyên truyền nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu mẫu sản phẩm thủy sản kiểm soát dư lượng chất độc hại trong thủy sản nhằm nâng cao chất lượng tôm thương phẩm trên thị trường.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, theo dõi diễn biến tình hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn, tổng hợp tình hình thả nuôi, thu hoạch và thiệt hại để báo cáo kịp thời, đặc biệt khi có dịch bệnh xảy ra; đối với những vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tập trung khi bị thiệt hại, tuyên truyền sử dụng hóa chất chlorine xử lý mầm bệnh trong ao nuôi trước khi thải ra môi trường tránh để lây lan trên diện rộng. Ở những địa phương xảy ra dịch bệnh cục bộ báo cáo Ủy ban nhân dân huyện kịp thời hỗ trợ người dân chlorine từ nguồn dự phòng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Củng cố, kiện toàn và tăng cường hoạt động của đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, chủ động phối hợp với thanh tra chuyên ngành tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra nắm tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và xử lý theo qui định; tăng cường quản lý chặt chẽ việc tổ chức hội thảo của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản không đúng với mục đích, nội dung đăng ký; thực hiện quản lý sản xuất tôm nuôi nước lợ trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp quản lý được UBND tỉnh qui định tại Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 09/5/2013 ban hành qui định về quản lý một số lĩnh vực trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về quản lý một số lĩnh vực trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thông tin, chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan biết để thực hiện.
 


Báo Trà Vinh
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: