"Treo" hồ tôm, người nuôi khốn đốn

Thursday,
08/02/2018
0

Hoài Hải là vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện Hoài Nhơn (Bình Định) suốt mấy chục năm qua. Sau nhiều năm thất bại liên tiếp vì dịch bệnh, người nuôi tôm ở đây chỉ còn mỗi cách gỡ gạc là phải nâng đáy hồ, lót bạt để nuôi.

Thế nhưng khi họ nâng cấp hồ thì bị chính quyền địa phương ách, không cho nuôi. Treo hồ, người nuôi tôm ở xã Hoài Hải liền lâm cảnh khốn đốn.

Những “chúa chổm” thất nghiệp

Trong khi những vùng nuôi tôm khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đang làm ăn tở mở thì ở vùng nuôi tôm tại xã Hoài Hải buồn ảm đạm. Hầu hết các hồ nuôi ở đây đang bỏ hoang. Hỏi ra thì biết, suốt mấy năm gần đây, người nuôi tôm ở Hoài Hải liên tiếp bị thất bại do dịch bệnh tấn công.

Chỉ những hồ đã được nâng nền, lót bạt nuôi theo hướng công nghiệp mới thoát được dịch bệnh. Học tập mô hình này, những chủ hồ đất đầu tư nâng cấp hồ để tiếp tục nuôi mong gỡ gạc vốn liếng thì bị chính quyền địa phương ách, không cho phép.

Nuôi tôm trong hồ đất thì không thể tránh khỏi thất bại, số nợ họ đang gánh do thua lỗ trong những năm qua đã “oằn lưng” nên họ không dám mạo hiểm thả tiếp, đành ngậm đắng nuốt cay bỏ hoang hồ.

Ông Lê Văn Hùng (1952) có 1 hồ nuôi tôm rộng 5.800m2 ở tại miếu Kim Thiện, cho biết: “Tui mua hồ này vào năm 2011 với giá 160 triệu đồng. Cả 2 vụ SX trong năm 2012 đều bị thất bại do dịch bệnh, lỗ mất 120 triệu đồng. Nguyên nhân do mình nuôi hồ đất, thấp hơn các hồ nổi (hồ đã được nâng đáy, lót bạt) ở chung quanh, mọi chất thải từ các hồ nổi đều trút xuống các hồ đất nên dịch bệnh phát sinh, nuôi vụ nào thua vụ đó.

Đầu tháng 6 vừa qua tui quyết định vay mượn vốn để nâng cấp hồ, nuôi theo người ta để gỡ gạc vốn. Thế nhưng UBND xã Hoài Hải cử đoàn công tác đến thu máy hút cát, đầu hút và cả 18 chiếc ống. Đã không cải tạo được hồ, lại còn mất đứt 40 triệu đồng trang thiết bị bị tịch thu”.

http://nongnghiep.vn/Upload/Image/2013/6/10/10062013172045.JPG
Hồ tôm của ông Lê Văn Hùng đang nâng cấp dở dang thì bị đình chỉ giờ đang bỏ hoang

Tình cảnh anh Phạm Viết Xừ (1965) ở thôn Kim Giao Nam còn thê thảm hơn. Anh Xừ có thâm niên nuôi tôm đã 11 năm nay trên diện tích mặt nước rộng 3.000m2. Suốt từ năm 2010 đến năm 2012 anh Xừ bị thua lỗ liên miên cũng vì nguyên nhân nuôi ao đất tôm dính dịch bệnh. Thế nhưng khi nâng cấp lên ao nổi lại bị chính quyền địa phương ách lại. Hiện anh Xừ đành “treo hồ” chịu thất nghiệp, trong khi đó nợ nần chồng chất hết lớp này đến lớp khác.

“Chính quyền xã không cho nâng cấp hồ, do nợ nần thúc bách quá tui làm liều nuôi thêm 2 vụ nữa trong hồ đất, lại thua. Hiện tui nợ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Hoài Hương 80 triệu đồng, nợ bên ngoài 160 triệu nữa. Giờ không có việc gì làm, nợ đòi mỗi ngày, vợ tui cứ kình miết”, anh Xừ tâm sự.

Ông Trương Văn Tài (1953) ở thôn Kim Giao Thiện được cấp sổ đỏ 8.500m2 diện tích hồ nuôi tôm và đã SX suốt 19 năm qua. Suốt 3 năm gần đây bị thua lỗ liên tiếp, hiện đang nợ các đại lý thức ăn đến gần 1 tỷ đồng. Dù đang muốn nâng cấp hồ để giảm rủi ro cho con tôm nhưng vẫn không được.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết 3 trường hợp kể trên chỉ là những đơn cử, ở Hoài Hải hiện có không dưới 30 hộ lâm tình cảnh này.

Kẻ được, người không

Bức xúc ngày càng dâng cao trong lòng những chủ hồ đất không được phép nâng cấp hồ trong khi trong vùng nuôi vẫn có rất nhiều hồ đã được cải tạo thành ao nổi và hiện đang ăn nên làm ra.

Anh Trần Văn Luận (1983) ở thôn Kim Giao Thiện, dẫn chúng tôi tham quan hồ nuôi, bộc bạch: “Tui thuê của ông Trần Đậm 1 hồ đất rộng 1.800m2. Năm 2011 làm 3 vụ thua cả 3 vụ, lỗ mất 100 triệu đồng. Sau đó tui bỏ tôm nuôi cá chua thì không có đầu ra, lại tiếp tục lỗ. Năm 2012, chủ cho thuê hồ (ông Đậm) xin phép địa phương cho nâng thành hồ nổi, nhờ đó tui nuôi thành công 2 vụ liền, kiếm được 800 triệu đồng.

Cũng như tui, nhờ nuôi hồ nổi, ông Võ Văn Kiên có 2 hồ (1.200m2/hồ), chỉ 1 vụ lãi được 720 triệu đồng. Ông Võ Thanh Triên nuôi 4 hồ (8.000m2) lãi được 950 triệu đồng. Lãi đậm nhất là ông Nguyễn Thành Thân, chỉ 1 hồ 3.300m2 mà lãi được cả tỷ đồng”.

Theo ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, vùng nuôi tôm trọng điểm của xã nằm trên địa bàn 3 thôn Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện và Diêu Quang với diện tích hơn 34 ha. Số diện tích nói trên được cấp cho 60 hộ dân địa phương để đưa vào nuôi tôm. Đến năm 2010, hầu hết các hồ tôm ở đây không còn nuôi tôm sú, chuyển hết sang nuôi tôm thẻ.

 

“Bình Định đang tiến hành quy hoạch các vùng nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh, theo đó các vùng nuôi tôm sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững để đưa ngành nuôi tôm đi vào ổn định. Vùng nuôi tại Hoài Hải cũng nằm trong số đó”, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

Tuy nhiên, do môi trường nước ngày càng ô nhiễm, nuôi ao đất tôm bị dịch bệnh chết liên hoàn từ vụ này sang vụ khác. Một số hộ nuôi tôm ở đây đã nâng đáy hồ, lót bạt nuôi theo hướng công nghiệp.

“Đến thời điểm này đã có 41 hồ nuôi tôm trên địa bàn xã Hoài Hải được nâng cấp thành hồ nổi. Vào tháng 5/2012, UBND huyện Hoài Nhơn không cho người nuôi tôm tự ý nâng cấp từ hồ đất thành hồ nổi vì làm chặn đường tiêu thoát lũ. Thực hiện chỉ đạo của huyện, chúng tôi không thể làm khác nên ngăn chặn không cho người dân tiếp tục nâng cấp hồ. Trường hợp 2 hồ được nâng trong năm 2012 là do khi huyện có văn bản cấm thì đang xây dựng dở dang, chúng tôi xin ý kiến huyện cho họ hoàn tất”, ông Có nói.

Tuy nhiên, người nuôi tôm ở xã Hoài Hải thắc mắc, nếu nói các ao nổi ở vùng nuôi thuộc xã này làm chặn đường tiêu thoát lũ thì vì sao liền kề đó, nằm về phía trên, vùng nuôi tôm của xã Hoài Mỹ tất cả đều được làm hồ nổi?

Trong buổi làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, ông Huỳnh Có, bộc bạch: “Dậm gai lấy gai lể, người nuôi tôm ở đây bị tôm làm thua lỗ thì chỉ có con tôm mới cứu được họ. Do đó, chúng tôi đang có kế hoạch quy hoạch chi tiết vùng nuôi. Nơi nào được nâng cấp thành hồ nổi, nơi nào phải chừa lối tiêu thoát lũ để khôi phục lại SX cho người nuôi tôm”.




Theo Nông Nghiệp Việt Nam
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: