Sản xuất hữu cơ là một trong những ngành sản xuất xanh có thể mang lại giá trị cho các sản phẩm của Việt Nam như tôm hữu cơ trên thị trường thế giới. Đồng thời, việc nuôi tôm theo hướng hữu cơ cũng hỗ trợ trong tiến trình bảo vệ bền vững dải ven biển của ĐBSCL.
Nuôi tôm hữu cơ có những điểm khác so với nuôi tôm sú theo phương pháp thông thường
Mô hình nuôi tôm hữu cơ
Hiện nay được một số tỉnh áp dụng như Cà Mau, TP Hồ Chí Minh đem lại hiệu quả bền vững.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ), cho biết: Vài năm trước, nhiều hộ nuôi tôm sú trong xã bị thua lỗ do môi trường nước ô nhiễm, bà con đã chuyển sang nuôi tôm hữu cơ, phát huy tốt lợi thế, mang lại hiệu quả thiết thực.
Xã An Thới Đông hiện có diện tích nuôi tôm sú khoảng 1.300 ha, trong đó nhiều hộ tự học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm sú hữu cơ an toàn với diện tích từ 5 đến 7ha/hộ. Anh Đỗ Mạnh Hùng, trú tại ấp Doi Lầu, một chủ trang trại đang đầu tư ao tôm sú hữu cơ rộng 5ha, chia sẻ: “Hằng tuần, chúng tôi đều được cán bộ kỹ thuật của xã và Hội Nông dân hướng dẫn phương pháp chăm sóc tôm. Trung bình một héc ta, gia đình tôi đầu tư làm sạch ao, trải bạt xung quanh, xử lý nước… hết khoảng 20 đến 25 triệu đồng, tùy thời vụ. Song, cách nuôi hữu cơ bảo đảm cho con tôm phát triển ổn định, không bị dịch bệnh lây lan. Vì thế, cứ mỗi vụ tôm, thường 6 - 7 tháng/vụ, gia đình tôi thu hoạch được tôm sú loại 20 - 25 con/kg với giá khoảng 180.000 đồng/kg. Lãi suất cao hơn 10.000 đồng/kg so với cách nuôi thường”.
Nuôi tôm hữu cơ và nuôi tôm thông thường
có những điểm khác so với nuôi tôm sú theo phương pháp thông thường. Nguồn nước và môi trường là quan trọng nhất. Nguồn nước trước khi đổ vào ao tôm phải là nước biển sạch, có thả một số loại cá để giữ sinh thái ổn định. Sau ít ngày nước lắng đọng tạp chất xuống thì mới bơm nước biển mặn đó vào ao tôm, rồi thả tôm giống xuống. Ao tôm phải trải bạt từ phần tiếp giáp mặt nước đến tận đáy; mặt đáy ao là đất hữu cơ bình thường, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Con tôm sú giống được nuôi bằng bã đậu nành ủ với men chua trong vòng 45 ngày, sẽ nhanh lớn và tăng trưởng an toàn. Hiện nay, cách nuôi tôm này chi phí đầu tư thấp, hạn chế được dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh nên phát triển khá nhiều tại huyện Cần Giờ. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 20 ha, tập trung chủ yếu ở xã An Thới Đông và xã Lý Nhơn.
Đầu năm 2016, xã An Thới Đông có hai hộ thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ nuôi tôm thông thường sang nuôi tôm công nghiệp trải bạt lưới và nuôi tôm bằng thức ăn hữu cơ với tổng diện tích 12ha; mức đầu tư chuyển đổi khoảng 500 triệu đồng/ha.
Tính đến nay, sản lượng thu hoạch sau chuyển đổi mùa thuận đạt 40 tấn/ha, mùa nghịch đạt 10 tấn/ha. Thu nhập bình quân mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha, cao hơn nhiều so với cách nuôi tôm trước đây, góp phần nâng cao đời sống nông dân huyện Cần Giờ.
Nguồn: Tổng hợp