Các huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, trước đây bị ảnh hưởng phèn mặn, cộng với hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh nên sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu hợp lý, trong đó phát huy lợi thế nuôi tôm đã giúp nhiều hộ dân vùng sâu từ khó khăn vươn lên khá giả.
Người dân thu hoạch tôm “trả công lẫn nhau” ở vùng sâu huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Đột phá nhờ nuôi tôm
Xã Vĩnh Bình Bắc là một trong những nơi nuôi tôm càng xanh hiệu quả nhất ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận. Hiện nay, dù nhiều nơi vẫn còn chịu ảnh hưởng hạn mặn, nhưng nông dân xứ này duy trì sản xuất bình thường. Ông Nguyễn Thế Kỷ, ngụ ấp Ba Đình (xã Vĩnh Bình Bắc), chỉ ao tôm càng xanh rộng 2ha, cho biết: “Năm nay ngành chức năng thông tin trước về hạn đến sớm và độ mặn cao nên người dân chủ động ứng phó, nhờ đó, ao tôm của gia đình chăm sóc tốt, không thiệt hại nhiều. Sau hơn 5 tháng thả nuôi, 2ha tôm càng xanh tới ngày thu hoạch, với trọng lượng từ 12-15 con/kg, bán cho thương lái giá 145.000 đồng/kg; trừ chi phí còn lời hơn 80 triệu đồng…”.
Theo ông Kỷ, trước đây, khu vực này đất bị nhiễm phèn nặng nên bà con đa phần trồng khóm, nhưng hiệu quả không cao do giá thấp. Khoảng 10 năm nay, thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ngành nông nghiệp cùng chính quyền và người dân chọn nuôi tôm để đột phá. Người dân được học kỹ thuật, áp dụng hợp lý việc nuôi luân phiên giữa tôm càng xanh với tôm sú và tôm thẻ, mỗi năm 3 vụ. “Trúng tôm mấy năm đã giúp gia đình tôi có điều kiện mua thêm đất mở rộng sản xuất lên hơn 5ha. Cuộc sống bây giờ ổn định hơn lúc trồng khóm rất nhiều”, ông Kỷ bộc bạch.
Đưa chúng tôi ra thăm ao tôm gần 1.8ha, ông Võ Văn Tánh (xã Vĩnh Bình Bắc) tâm sự: “Thời tiết vụ này có phần bất lợi, nhưng nhờ chăm sóc chu đáo nên tôi vừa thu hoạch hơn 1 tấn tôm. Giá tôm càng xanh bán sô 130.000 đồng/kg, tôm thẻ 90.000 đồng/kg, lời hơn 50 triệu đồng. Mức lợi nhuận tuy không cao bằng các vụ trước, nhưng trong tình trạng hạn mặn gây khó cho sản xuất các nơi thì vùng nuôi tôm ở đây duy trì được đồng lời là tốt rồi”. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình Bắc, Huỳnh Ngọc Nguyên, cho hay: “Những năm qua, địa phương tích cực đầu tư thủy lợi nhằm đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, với mô hình đan xen tôm cành xanh - tôm thẻ - tôm sú hơn 5.150ha, sản lượng thu về 5.300 tấn mỗi năm. Con tôm thật sự mang lại hướng đi mới, giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, tích lũy tiền xây nhà, nuôi con ăn học và chung tay cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới”.
Tại các xã Thạnh Yên, Hòa Chánh, Vĩnh Hòa (huyện U Minh Thượng) thời gian qua, nhiều hộ dân cũng tăng cường nuôi tôm. Đến nay, diện tích tôm của huyện đạt hơn 8.600ha; trong đó, mô hình nuôi tôm càng xanh ở một số nơi cho năng suất 935kg/ha; giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, lời khoảng 80 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp nhiều lần so trồng lúa hoặc trồng mía.
Thắt chặt tình làng nghĩa xóm
Gần đây, người dân U Minh Thượng chuyển dịch sang nuôi tôm càng lúc càng nhiều. Về lâu dài, con tôm là đối tượng nuôi được kỳ vọng nhằm giúp bà con vùng U Minh Thượng vươn lên trong cuộc sống. Huyện này đang xây dựng các mô hình nuôi tôm VietGAP để hướng tới phát triển bền vững; đồng thời phối hợp cùng các ngành liên quan xây dựng thương hiệu cho tôm càng xanh...
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, ông Võ Hoàng Nguyên, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, người dân khắc phục khó khăn hạn mặn để thả nuôi hơn 28.500ha tôm, đạt 100% kế hoạch, sản lượng tôm nuôi thu về hơn 8.150 tấn, đạt 52,5% kế hoạch, tăng 14,5% so cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đến nay đạt 1.004 tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ... Phòng NN-PTNT và các xã đang theo dõi chặt diễn biến thời tiết, khi độ mặn giảm và dần ổn định trở lại sẽ tăng cường sản xuất nhằm phát huy thế mạnh ở các vùng tôm, nhất là tôm càng xanh”.
Ông Võ Văn Tánh (xã Vĩnh Bình Bắc) tâm sự: “Mới đây, khi gia đình tôi thu hoạch 1.8ha tôm thì tờ mờ sáng đã có mấy chục người hàng xóm tới phụ kéo tôm. Những thanh niên khỏe mạnh thì bơm nước, kéo tôm, gánh tôm từ ruộng vào nhà; còn những chú bác lớn tuổi thì xuống ruộng bắt tôm; chị em phụ nữ đảm nhận công đoạn phân loại tôm để bán cho thương lái... Mỗi người một việc, chia nhau làm từ sáng sớm đến xế chiều mới xong, nhưng không ai nhận một đồng tiền công nào. Khi mọi việc hoàn thành, cả xóm cùng ngồi lại ăn bữa cơm chung vui với chủ nhà sau 1 vụ tôm”. Theo ông Võ Hoàng Nguyên, điểm nổi bật của phát triển con tôm không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà còn giúp nhiều gia đình thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, thông qua việc “trả công lẫn nhau” trong thu hoạch tôm.
Nguồn: Sóc Trăng
Queercove Trả lời
01/11/2022Acute activation of NRF2 such as exercise, can strengthen the heart, although over activated see more below can increase the chance of heart disease cialis price Associated symptoms included headache, ipsilateral facial and tongue numbness Wohlgemuth et al