Vai trò của đồng trong nuôi tôm

Wednesday,
28/03/2018
0

Đồng đặc biệt quan trọng đối với tôm và một số động vật không xương sống khác, bổ sung các hợp chất đồng trong khẩu phần ăn có tác động tích cực đến tăng trưởng, khả năng đề kháng bệnh và sức khỏe của tôm.

Sử dụng đồng với liều lượng, hình thức thích hợp trong nuôi tôm Ảnh: Thanh Ngân

Sự cần thiết

Đồng (Cu) là chất dinh dưỡng cần thiết và đóng vai trò quan trọng đối với thực vật và động vật. Là thành phần của nhiều enzyme có hoạt tính ôxy hóa, thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên tôm. Góp phần hình thành nên sắc tố đen (melanin), kích thích quá trình sử dụng Fe và là chất xúc tác cho việc tạo thành Hemoglobin (Hb). Thiếu đồng tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng đồng trong máu và gan tụy.

Đối với tôm, đồng còn có vai trò quan trọng trong quá trình lột xác, sinh lý và sinh sản. Tôm không thể hấp thu đồng trực tiếp từ nước mà cần phải bổ sung vào thức ăn. Hàm lượng đồng đề nghị cho tôm là khoảng 16 - 32 mg/kg thức ăn. Hàm lượng đồng trong bột cá khá cao và là nguồn cung cấp đồng tốt cho động vật thủy sản.

Ngoài ra, trong nuôi trồng thủy sản, đồng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm kiểm soát tảo lam (là nguyên nhân gây ra mùi mục rữa trong nuôi trồng thủy sản), xử lý một số bệnh và ký sinh trùng nhất định. 

Ảnh hưởng

Đồng được ứng dụng nhiều trong nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng đồng,  bởi sự dư thừa có thể tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người. Khi người tiếp xúc quá mức với đồng có thể gây ra các kích ứng cho mũi, miệng và mắt, cũng như đau đầu. Tiếp xúc mãn tính có thể dẫn đến mắc bệnh Wilson và làm tổn thương gan, não, hệ thần kinh, thận và mắt. Đồng gây độc cho thủy sinh vật, điều này có thể gây nhiễm độc trên tôm, làm tôm chậm lớn. Độc tính của đồng tăng lên khi độ kiềm giảm đi.

Đồng có nhiều loại có thể được sử dụng trong nước. Loại rẻ nhất và thường được sử dụng nhất là đồng sulfate, có sẵn hoặc như một tinh thể hoặc dạng bột (thường được gọi là "đá xanh" hoặc "bột xanh"). Đồng sulfate là một hợp chất hóa học có công thức CuSO4. Ở dạng khan, nó là một loại bột màu xanh nhạt hoặc màu xám xanh, trong khi pentahydrate (CuSO4.5H2O) - loại muối thường gặp nhất, lại có màu xanh tươi sáng đặc trưng. CuSO4 tan trong nước, hòa tan và khá dễ dàng khi trộn với nước. Lưu ý, trong môi trường nhiệt độ cao thì tác dụng khử trùng của CuSO4 tăng cao và tác dụng gây độc của đối với tôm càng lớn. Vì vậy, khi sử dụng cần có một phạm vi an toàn, chọn nồng độ thích hợp đảm bảo khả năng diệt trùng và không gây ảnh hưởng cho tôm. 

Lưu ý khi sử dụng

Trước khi sử dụng đồng bất kỳ ở hình thức nào, người nuôi cần đo tổng độ kiềm của nước vì độc tính của đồng ảnh hưởng đến tôm tăng khi tổng độ kiềm giảm. Để tính hàm lượng phù hợp, người nuôi có thể sử dụng công thức sau:

CuSO4.5H2O (mg/lít) = Độ kiềm tổng (mg/lít CaCO3)/100

Mức độ an toàn sử dụng đồng CuSO4.5H2O trong các ao nuôi trồng thủy sản là 0,01 lần của tổng kiềm. Nếu độ kiềm là 100 mg/lít, mức dùng đồng sulfate an toàn tối đa là 1 mg/lít, hoặc khoảng 0,25 mg/lít. Nếu tổng độ kiềm dưới 50 ppm, các chuyên gia khuyến cáo không nên xử lý đồng vì có nguy cơ cao giết chết tôm. Và trong trường hợp độ kiềm lớn hơn 250 ppm, không sử dụng liều lớn hơn 2,5 ppm đồng sulfate.

Trên tôm sú giống, nồng độ LC50 (liều gây chết 50% tổng số tôm) 96 giờ là 3,13 và 7,73 mg/lít trong môi trường nước mặn 15‰ và 25‰ tương ứng. Ion đồng Cu2+ tự do là yếu tố gây độc chính đối với cả tảo và tôm. Bởi vậy, các yếu tố ảnh hưởng tới nồng độ ion đồng tự do trong nước đều ảnh hưởng đến độc tính của đồng. Tôm được nuôi trong môi trường có hàm lượng ion Cu2+ là 0,9 mg/lít sẽ làm cho tăng trưởng của tôm giảm. Ở nồng độ 5,0 mg/lít Cu2+ tôm sẽ ngừng ăn (Chen và Lin 2001). Đối với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei, ở nồng độ 1 mg/lít, Cu2+ sẽ làm suy giảm miễn dịch của tôm trong 24 giờ và gia tăng tính mẫn cảm đối với nhóm vi khuẩn Vibrio (Yeh et al., 2004).

Khi sử dụng, cần hòa tan đồng vào nước. Sau khi cân số lượng đồng sulfate cần thiết để điều trị, hòa tan nó trong nước và đảm bảo rằng tất cả đều tan. Nên pha loãng đồng sulfate càng nhiều càng tốt và chú ý kỹ khi cho xuống ao, tránh việc tạo ra các khu vực có nồng độ cao hơn, thường được gọi là "điểm nóng".

Khi xử lý tảo, phương pháp điều trị bằng hợp chất đồng có thể làm cho hàm lượng ôxy giảm, dẫn đến chết tôm. Tảo là một nguồn sản xuất ôxy chính và loại bỏ nó tức là loại bỏ nguồn ôxy. Ngoài ra, ôxy sẽ được tiêu thụ khi tảo phân hủy. Vì vậy, nếu trong trường hợp diệt tảo thì cần xử lý các liều nhỏ hơn theo thời gian hoặc tăng cường bổ sung ôxy bằng cách sục khí khẩn cấp.

Đồng sulfate là dạng rắn, có thể tạo bụi nguy hiểm do quá trình vận chuyển, sử dụng. Ngoài ra, đồng sulfate tồn tại trong ao lâu dài và không tự hủy sinh học dẫn đến có thể làm đáy ao bị nghèo dinh dưỡng do tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong môi trường ao nuôi.

Chỉ sử dụng đồng cho ao khi thật cần thiết. Tỷ lệ sử dụng tính bằng mg/lít không nên vượt quá 0,01 tổng nồng độ kiềm và không nên sử dụng khi mưa to vì khả năng có thể gây tràn. Cuối cùng, không nên tháo nước từ các ao trong ít nhất 72 giờ sau khi sử dụng đồng.

Nguồn: contom.vn

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: