Nhu cầu khoáng chất trong nuôi tôm rất cao, bởi tôm có tốc độ tăng trưởng cao, quá trình lột xác diễn ra liên tục. Bên cạnh đó, nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, thả nuôi mật độ cao, nên nhu cầu khoáng chất trong ao nuôi cũng trở nên bức thiết.
Khoáng và vai trò của khoáng trong nuôi tôm
Khoáng chất là các phân tử vô cơ còn được gọi là các nguyên tố và có nguồn gốc từ trái đất. Khoáng chất vô cơ có thể được tích hợp vào mô sống (hữu cơ) nhưng cuối cùng trở về đất ở dạng vô cơ khi được động vật bài tiết, hoặc dưới dạng tro khi động vật bị chôn vùi hoặc bị đốt.
Trong nuôi tôm, khoáng có vai trò hết sức quan trọng vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi. Khoáng chất có nhiều chức năng sinh lý để duy trì sự cân bằng acid-base và điều hòa áp suất thẩm thấu... bao gồm một số ion khoáng đa lượng và vi lượng (bảng 1).
Tỷ lệ ion khoáng trong nước
Yêu cầu về khoáng chất thực tế rất khó xác định số lượng do sự biến đổi ion của nước trong ao. Tỷ lệ ion tương đối khác nhau giữa các nguồn nước, thay đổi dựa theo độ mặn của nước. Tỷ lệ Na (Sodium) đến K (Potassium) và Mg (Magnesium) đến Ca (Calcium) trong nước ao quan trọng hơn độ mặn của nước. Tỷ lệ không phù hợp của các khoáng chất này trong nước dẫn đến sự rối loạn về điều hòa áp suất thẩm thấu, ảnh hưởng đến sự phát triển và tỷ lệ sống của tôm.
Thông thường, để duy trì nồng độ tối ưu của khoáng chất và sự cân bằng ion, đặc biệt trong điều kiện nuôi tôm với nguồn nước có độ mặn thấp việc bổ sung khoáng chất là vô cùng cần thiết thông qua 2 phương pháp (1) bổ sung trực tiếp vào nước và (2) bổ sung vào chế độ ăn. Do đó, việc sử dụng các sản phẩm có chất lượng, có tính cân bằng cũng như đảm bảo cho khả năng hấp thu của tôm một cách triệt để là vô cùng quan trọng.
Khoáng hữu cơ (chelated)
Khoáng hữu cơ thường được gọi là “chelated” hay “proteinates” liên quan đến việc gắn khoáng chất vô cơ với một axit amin hoặc thành phần hữu cơ (protein) để cả hai không phân ly trong hệ tiêu hóa. Về cơ bản là bảo vệ khoáng chất để nó có thể được hấp thụ nguyên vẹn trên thành ruột một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Hiện nay, việc sử dụng khoáng hữu cơ đã trở thành một lựa chọn thay thế hữu hiệu cho việc sử dụng khoáng chất vô cơ (bổ sung trực tiếp các loại khoáng vô cơ bao gồm hợp chất oxides hoặc sulfate) trong thức ăn chăn nuôi.
Việc sử dụng khoáng hữu cơ trong nuôi tôm giúp mang lại các thuận lợi như (1) giúp tôm tiết kiệm năng lượng sinh học do có thể hấp thu trực tiếp mà không thông qua bất kỳ quá trình chuyển hóa nào; (2) cung cấp những loại khoáng đa vi lượng phù hợp và cần thiết cho sự phát triển của tôm; (3) là phương pháp nhanh nhất để hấp thu các khoáng vi lượng cần thiết; (4) có thể đồng thời cung cấp amino acid cần thiết cho sự phát triển của tôm và (4) chi phí tối ưu khi chỉ cần sử dụng với số lượng ít nhưng mang lại hiệu quả cao.
Nguồn: Thủy sản Việt Nam