Vẫn còn cơ hội thay đổi thuế tôm xuất khẩu vào Mỹ

Thursday,
22/02/2018
0

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ, áp mức thuế chống bán phá giá khá cao trên tôm Việt Nam xuất khẩu vào nước này, nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện các mức thuế này.

Đó là nhận định của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sau khi DOC công bố kết quả.

"Kết quả vừa qua gây bất ngờ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn các đối tác nhập khẩu tôm của Việt Nam tại Mỹ, những người đã quen với mức thuế "dễ chịu" trước đó," ông Hoè nói.

Nguyên nhân đưa đến kết quả mà các doanh nghiệp cho là "bất ngờ" là lần này DOC đã thay đổi phương pháp tính, sử dụng phương pháp Phá giá mục tiêu và lựa chọn nước thay thế là Bangladesh, nước có các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất tôm sai biệt khá lớn với Việt Nam. Với phương pháp Phá giá mục tiêu, DOC chủ yếu "soi" vào chênh lệch giá mà doanh nghiệp bán cho các khách hàng hoặc nhóm khách hàng trong từng giao dịch.

Hai yếu tố chủ yếu trên đã dẫn đến thuế suất cao cho các doanh nghiệp. Cụ thể, DOC vừa ra quyết định sơ bộ về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1-2-2012 đến 31-1-2013, đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8).

"Các doanh nghiệp cần bình tĩnh và giữ giá thay vì để các nhà nhập khẩu ép giá vì những thông tin kết quả sơ bộ, chưa phải chính thức",
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep.

Theo quyết định trên, DOC xác định mức thuế tạm thời đối với hai bị đơn bắt buộc, gồm Công ty cổ phần Minh Phú và Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng

(Stapimex), lần lượt là 4,98% và 9,75%. Dựa trên kết quả trên, DOC đã tính ra mức trung bình cho các bị đơn tự nguyện là 6,37%. Các doanh nghiệp không tham gia vào quá trình điều tra và rà soát thuế sẽ chịu mức thuế suất toàn quốc 25,76%.

Dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố 6 tháng sau, tức là vào tháng 9 tới đây.

Kết quả trên khá bất lợi bởi nó cao hơn so với các đợt rà soát hành chính trước đây. Trong đợt rà soát hành chính trước đó (POR7), DOC đã ra quyết định cuối cùng với mức thuế suất áp dụng cho các bị đơn bắt buộc và tự nguyện của Việt Nam là 0,00%.

Theo luật sư đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, vẫn còn nhiều cơ hội để làm giảm thuế suất, đặc biệt là của hai bị đơn bắt buộc. Mặc dù DOC sử dụng phương pháp tính mới nhưng đối với các biện pháp đơn thuần là kỹ thuật, vẫn có cơ hội thay đổi kết quả.

Ông Trương Đình Hòe cho biết ngày 22-4 tới đây, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu sẽ đi Mỹ để làm việc và vận động xung quanh việc áp dụng Luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ.

"Hiệp hội sẽ đề xuất "lồng" vấn đề chống bán phá giá lần này vào nội dung chương trình để cùng làm việc với phía Mỹ, hy vọng đưa ra kết quả tốt hơn", ông nói và cho biết hiệp hội cũng sẽ thông tin vấn đề này đến Bộ Công Thương và Bộ Ngọại giao để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thuỷ sản Minh Hải cũng là một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn, nói tại buổi làm việc rằng mặc dù có những khó khăn nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn. Nguồn cung tôm toàn cầu vẫn còn thấp so với nhu cầu do ảnh hưởng của mất mùa, dịch bệnh tôm các năm trước, và do đó, giá tôm khó giảm sâu.

"Các doanh nghiệp cần bình tĩnh và giữ giá thay vì để các nhà nhập khẩu ép giá vì những thông tin kết quả sơ bộ, chưa phải chính thức", ông Hải nói.

Năm 2013, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu khoảng 820 triệu đô la Mỹ, tăng trên 75% so với năm 2012.

Theo TBKTSG Online
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: