Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Tuy nhiên, một nghịch lý lâu nay vẫn xảy ra và dường như chỉ có ở nước ta, đó là tình trạng, chi phí nuôi tôm luôn rất cao, giá bán cũng cao, nhưng nông dân lại khó giàu. Vì sao vậy?
Liệu có phải tôm ngoại rẻ?
Giá thành tôm Việt Nam lâu nay cao hơn so với nhiều nước, khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh tôm Việt Nam giảm. Chuyện mới mà cũ này đang là chủ đề nóng hổi. Các doanh nghiệp Việt Nam “ngả mũ” trước giá thành tôm Ấn Độ, khi tôm này nhập về đến Việt Nam qua nhiều lần thuế vẫn còn rẻ hơn tôm Việt Nam. “Tôm Ấn Độ rẻ hay tôm Việt Nam quá đắt?”. Về chất lượng, ngay cả những nhà chuyên môn khó tính cũng nhận xét: “Tôm Ấn Độ ngon không kém tôm Việt Nam”.
Giá thành tôm hầu hết các nước khác đều thấp hơn Việt Nam, là điều phía Việt Nam không thể đổ lỗi cho ai. Sáu tháng đầu năm 2015, giá tôm giảm tới 30%; với mức hạ này có lẽ phần lớn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôm Việt Nam điêu đứng. Họ đang phải mua tôm với giá cao hơn giá thị trường 10% để người nông dân không bỏ ao. Một biện pháp khác là “neo tôm chờ giá”. Nhưng đây cũng là bài toán khó cho doanh nghiệp, khi lãi suất ngân hàng vẫn còn cao. Ví dụ, tại Công ty Minh Phú, hàng tồn kho so với năm ngoái đang cao hơn, tới gần 2.000 tỷ đồng. Song nếu không tiếp tục thu mua thì chắc chắn nông dân sẽ thua lỗ và vùng nguyên liệu bị phá vỡ.
Nuôi nhỏ, chi phí cao
Các chuyên gia nghề tôm đều xác định con tôm “một mùa lãi gánh được ba mùa lỗ”, nhưng thực tế những người dân giàu lên từ nghề tôm thời gian qua không nhiều. Giá tôm cao thường vào những đợt mất mùa, thiên tai, nên sản lượng của người dân không cao và chỉ những vùng không bị ảnh hưởng mới còn sản lượng. Như vậy giá thành cao cơ bản không bắt nguồn từ nông dân.
Một nguyên nhân được chỉ ra, đó là nuôi tôm manh mún khó có lãi. Hầu hết các nông trại Việt Nam chỉ có 1 - 2 ha nuôi trồng, quá thấp so với nhiều nước khác, nơi mỗi trang trại thường hơn 50 ha. Diện tích nuôi thấp, chi phí nhân công cao (thường gấp 3 - 5 lần so với nhiều nước khác) khiến khoản chi phí này rất đáng kể.
Nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu nhỏ lẻ - Ảnh: Phan Thanh
Trong khi đó, các nhà máy ít đầu tư vào vùng nuôi và mới tự chủ được 10% công suất thiết kế, vẫn phụ thuộc các nông trại nhỏ lẻ. Nuôi tôm “cánh đồng mẫu lớn” hiệu quả hơn hẳn; nhưng hệ thống hạ tầng kém và thói quen “đèn nhà ai nhà ấy rạng” khiến mô hình “cánh đồng mẫu lớn” chưa thực thi được là bao.
Dịch bệnh không dứt
Cách đây vài năm, nhiều người đã tin rằng Việt Nam khống chế được dịch bệnh tôm, song thời gian gần đây dịch bệnh xuất hiện nhiều nơi, khiến người nuôi rơi vào cảnh trắng tay.
Vừa qua, dịch bệnh trên tôm đã bùng phát tại nhiều địa phương nuôi tôm của tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích gần 300 ha hồ nuôi bị nhiễm bệnh. Chi cục Thú y Quảng Trị xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn giống không ổn định nên gây bệnh hoại tử gan cấp tính, đầu vàng và đốm trắng trên tôm.
Tính đến cuối tháng 6, tổng diện tích tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại đã gần 5.500 ha, chiếm gần 30 % diện tích thả nuôi. Hơn 70% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng; 25% do biến đổi môi trường; còn lại do các nguyên nhân khác. Diện tích bị thiệt hại tập trung nhiều trên tôm giai đoạn 20 - 45 ngày tuổi.
Tại tỉnh Bến Tre, dấu hiệu bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng trên 16% tổng diện tích thả nuôi. Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre cuối tháng 2 đầu tháng 3/2015 đã phát hiện 100% mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng. Tôm chết khiến người nuôi không thể hạ giá bán; thậm chí khả năng khan hiếm nguyên liệu sẽ đẩy giá tôm lên cao, nếu dịch bệnh không được khống chế.
Gánh nặng giá thức ăn
Một so sánh đơn giản, đó là sự chênh lệch 2 USD/kg tôm Việt Nam so với tôm Ấn Độ, đúng bằng sự chênh lệch giá thức ăn bán tại Ấn Độ và Việt Nam. Hiện, giá thức ăn cho tôm ở Ấn Độ rẻ hơn tại Việt Nam 2 USD/kg. Tại sao? Ngành thức ăn tôm đưa ra nhiều nguyên nhân; song có thực tế nhiều năm qua người nuôi tôm thua lỗ, trong khi ngành thức ăn tôm chưa bao giờ thua lỗ.
Các công ty sản xuất thức ăn tôm tại Việt Nam lâu nay hoạt động theo hình thức nhập khẩu nguyên liệu về chế biến để bán tại Việt Nam. Trong khi hầu hết các công ty này không có vùng nguyên liệu và họ phụ thuộc thị trường cung cấp nguyên liệu ngày càng đắt đỏ. Nhà nước kêu gọi tự chủ nguyên liệu, nhưng các nhà máy không mặn mà với việc phát triển vùng nguyên liệu ngay tại Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại, từ nay đến cuối năm, nếu giá tôm không tăng và tiếp tục thu mua tôm nguyên liệu cao hơn các nước khác thì ngành xuất khẩu và chế biến tôm Việt Nam sẽ khó tránh khỏi thua lỗ nặng. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôm Việt Nam đang cần những chính sách hỗ trợ tích cực và kịp thời, để giải tỏa áp lực giá thành cho sản phẩm tôm Việt Nam.
>> Các công ty thức ăn tôm tại Việt Nam tự nhận mức lãi hằng năm 1 - 2%, song nhiều người cho rằng phải 5 - 10%. Do cạnh tranh gay gắt, nhiều đơn vị tung chiêu khuyến mãi rầm rộ nhằm lôi kéo đại lý, với hoa hồng chiết khấu cao, nhưng đây có thể là lý do khiến giá thức ăn cao lại càng cao.
Thủy sản Việt Nam