VietGAP và thành công với nuôi tôm công nghiệp

Monday,
12/02/2018
0

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tạo bước đột phá với người nuôi tôm. Nhờ thực hiện tiêu chí VietGAP cùng mật độ thả thưa nên tôm thẻ chân trắng nuôi đạt trọng lượng 28 con/kg.


Với trọng lượng 28 con/kg được thực hiện tại hộ bà Đoàn Như Mỹ, ấp Bùng Binh 2, xã Hòa Tân, TP Cà Mau đã chứng tỏ hướng đi cho loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) theo hướng VietGAP mật độ thưa là tất yếu trong thời gian tới.

Khoa học lên tiếng

Thực hiện theo quy trình của dự án, với sự hỗ trợ vốn từ Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, Công ty Việt Mỹ (phường 8, TP Cà Mau) triển khai mô hình với diện tích 1 ha, trong đó có 1 ao gièo và 3 ao nuôi. Diện tích, thiết kế ao đúng kỹ thuật, trong quá trình nuôi thực hiện theo quy trình sinh học. Mật độ thả 60 con/m2, con giống được kiểm duyệt theo tiêu chí ngành…

Kỹ sư Quách Văn Phúc, chủ nhiệm dự án, nhận định: “4 tiêu chí quan trọng giúp mô hình thành công là: Tuân thủ lịch thời vụ; thiết kế ao đầm chuẩn về kỹ thuật; xử lý nước từ ao lắng trước sau đó mới cấp cho ao nuôi và phải qua túi lọc; cuối cùng là chọn được con giống sạch bệnh theo tiêu chí ngành. Theo đó, tiêu chí cần quan tâm là lựa chọn những sản phẩm của các cơ sở uy tín, chất lượng để sử dụng. Và hầu như việc quản lý môi trường ao nuôi đều sử dụng các loại chế phẩm sinh học, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các tiêu chí theo hướng VietGAP”.

http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/web710-.jpg

Trọng lượng 28 con/kg là một bước ngoặt cho người dân nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau - Ảnh: Diệu Lữ

Theo kỹ sư Phúc, ngoài yếu tố định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược giúp mô hình thành công còn là việc chuyển đổi từ thức ăn cho tôm thẻ chân trắng sang thức ăn tôm sú để tăng độ đạm, tăng sức đề kháng cho tôm. Cùng đó, chuyển từ 4 cữ ăn/ngày sang 3 cữ ăn để tăng thời gian chạy quạt cung cấp ôxy cho tôm khỏe hơn, lột xác nhanh hơn…

Cần nhân rộng

Với chi phí đầu tư ban đầu là 800 triệu đồng, bao gồm chi phí cải tạo, con giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học… qua 3 tháng, thu hoạch tỉa đợt 1 cho sản lượng 4 tấn và đợt 2 là 9,4 tấn, trọng lượng 28 con/kg. Giá bán tại thời điểm là 230 ngàn đồng/kg, tổng thu trên 2,6 tỷ đồng, trừ chi phí mô hình còn lãi trên 1,8 tỷ đồng. Hiệu quả này đã thuyết phục người dân trực tiếp tham quan mô hình, bởi năng suất đạt được cao hơn 4 tấn/ha so với mô hình truyền thống tại địa phương.

Ông Phùng Quang Gây, ấp Bùng Binh 2, nhận định: “Từ khi thả tôm, tôi đã theo dõi suốt và nhận thấy, dường như đây là mô hình đầu tiên thành công như vậy. Nhất là vùng đất, môi trường trong xã được xác định là rất khó nuôi và hầu như chưa có người nào nuôi tôm lớn đến vậy, có chăng chỉ đạt 50 con/kg”.

Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau, ông Lý Khánh Ly cho biết: “Mô hình này đạt trên 65% tiêu chí VietGAP, thời gian tới chúng tôi tiếp tục triển khai tập huấn, hội thảo tại hiện trường cho người dân NTCN trong toàn thành phố, nhất là vùng, cụm NTCN trọng điểm như ấp Gành Hào 1, xã Hòa Tân. Đồng thời, nâng cao tiêu chí này lên để đáp ứng tôm sạch cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh”.

>> Chị Đoàn Như Mỹ cho biết: “Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đúng tiêu chí VietGAP ngay từ ban đầu nên tôm phát triển tốt. Đặc biệt áp dụng thu tỉa, san thưa với mật độ 30 con/m2 nên tôm đạt trọng lượng 28 con/kg chỉ sau 5 tháng nuôi”.



Theo Thuỷ sản Việt nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: