Đã bắt được bệnh của ngành tôm, đơn thuốc cũng đã có; nhưng xử lý ra sao để đạt hiệu quả, vẫn là thách thức lớn.
Khó khăn không mới
Mở đầu năm 2013, thông tin về sự tăng đột biến giá tôm tại ĐBSCL tưởng như tin vui đối với nông dân. Nhưng niềm vui đã trở thành sự tiếc nuối, bởi giá tăng cao nhưng tôm không còn để bán.
Khi đơn thuốc hữu hiệu đối phó dịch bệnh trên tôm chưa được tìm ra, vấn đề chất kháng sinh bị cấm Ethoxyquin gây trở ngại xuất khẩu chưa tìm ra cách giải, nỗi lo tôm giống chưa thôi ám ảnh, thì vụ kiện chống trợ cấp của Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục diễn ra, khiến ngành tôm khó càng thêm khó. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã lên tiếng phản đối vụ kiện phi lý của COGSI, nhưng dù muốn dù không đây cũng là trở ngại không nhỏ đối với tôm Việt Nam năm nay.
Mọi nguyên nhân khó khăn đã được nhìn nhận thấu đáo, giải pháp đưa ra cũng khá đồng bộ. Tuy nhiên, vấn đề chính ở chỗ, năm nào chúng ta cũng nhìn rõ khó khăn và đưa ra kịch bản đối phó tưởng rất hoàn hảo, nhưng rồi thiệt hại vẫn hoàn thiệt hại, vì dịch bệnh không bao giờ dừng ở một loại; rào cản thị trường chỉ có tăng. Cùng đó, nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp trong việc tăng năng suất đi liền tăng chất lượng vẫn mãi là bài toán khó. Vẫn là những bệnh cũ của toàn ngành và đi kèm nó vẫn là những đơn thuốc không mới. Có lẽ giờ chỉ có tăng liều cao hơn, nói cách khác là làm quyết liệt hơn, bài bản hơn, mới mong hạn chế được khó khăn.
Không thể chủ quan
Năm 2013, với người nuôi tôm, thách thức lớn vẫn là dịch bệnh trên tôm. Hiện, việc khắc phục chứng hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm tạm thời đã được khống chế. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt vẫn đang là ẩn số. Tình hình vẫn còn khá nan giải, bởi nếu không làm tốt ngay từ khâu con giống đầu vào, đến việc vệ sinh ao nuôi theo quy trình công nghệ tiên tiến…, rất nhiều khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại. Chưa kể, nhiều dịch bệnh mới có thể phát sinh, khó kiểm soát.
Năm 2013, sẽ thả nuôi khoảng 655.000 ha tôm nước lợ - Ảnh: Phan Thanh Cường
Năm 2012, diện tích nuôi tôm đạt hơn 657.500 ha, tăng 0,2% so năm 2011, nhưng sản lượng giảm gần 4% so năm 2011, khi chỉ đạt trên 476.400 tấn. Riêng tôm sú, diện tích thả nuôi hơn 619.000 ha, sản lượng hơn 298.600 tấn, giảm 6,5% so năm 2011. Sản lượng giảm dù diện tích tăng, chính là do bệnh dịch hoành hành. Nếu dịch bệnh không được khống chế hữu hiệu thì vấn đề này sẽ lặp lại trong vụ nuôi 2013 và sẽ nghiêm trọng hơn, bởi hiện nay nhiều nước khác cũng có tỷ lệ “treo ao” rất lớn. Đầu năm 2013 tôm đã chết ở nhiều địa phương trong cả nước ta.
Theo Bộ NN&PTNN, năm 2103, kế hoạch thả nuôi vụ tôm nước lợ sẽ vào khoảng 655.000 ha. Nhằm tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát, Bộ đã đề nghị các tỉnh tổng kiểm tra chất lượng chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm, nghiêm cấm kinh doanh chế phẩm không đảm bảo chất lượng; đồng thời kiểm soát chặt chất lượng tôm giống và đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP, nhằm đáp ứng yêu cầu của những thị trường xuất khẩu khắt khe. Riêng đối với rào cản liên quan chất Ethoxyquin, việc tìm ra chất thay thế là cực kỳ quan trọng, nếu không, phải có những biện pháp kỹ thuật để đảm bảo không tồn dư Ethoxyquin trong tôm xuất khẩu. Không làm được điều này, giá tôm xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm mạnh, gây khó cho toàn ngành.
Mọi khó khăn của ngành tôm đều đã được "điểm mặt chỉ tên", vấn đề là giải quyết phải đồng bộ, triệt để, từ con giống, thức ăn đến nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu… Phải phối hợp nhịp nhàng giữa các bên mới hy vọng giải quyết được vấn đề. Đây cũng là yêu cầu không mới, nhưng vẫn phải nhắc lại, bởi như thế mọi giải pháp đưa ra mới có hiệu quả.
>> Theo VASEP, năm 2013, nếu ngành chức năng khống chế được dịch bệnh, tìm được chất thay thế Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nạn thương lái xuất tôm sang Trung Quốc…, xuất khẩu tôm Việt Nam có thể đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 6,5% so năm 2012.
Thủy Sản Việt Nam