Vụ tôm 2013: Vẫn nỗi lo giống, vốn

Thursday,
08/02/2018
0

Vụ tôm mới đã bắt đầu, nhưng người nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai mùa vụ. Cả người nuôi lẫn nhà quản lý đang có quá nhiều vấn đề phải giải quyết.


Nỗi lo về vốn

Đang thời điểm thả tôm giống đại trà nhưng nhiều người nuôi vẫn rất dè dặt. Bởi “cái khó bó cái khôn” khi gặp trở ngại lớn là hết vốn. Hậu quả trắng tay sau một vài vụ “đánh bạc với trời”. Nguồn lực của người dân cạn kiệt, trong khi giá tôm giống, thức ăn đang cao, nguy cơ dịch bệnh vẫn đeo đẳng.

Tình cảnh này đã lan ra nhiều vùng nuôi tôm của cả nước. Tại Cà Mau, vựa tôm của Việt Nam, cũng không ngoại lệ. Ông Út Mười (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) đầu tư nửa tỷ đồng vào 10 đầm tôm công nghiệp, nhưng chỉ được khoảng một tháng thì tôm bắt đầu bệnh rồi chết cả ao, mất trắng vốn. Tại Bạc Liêu, trên 30.000 ha nuôi tôm thuộc các huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu liên tiếp bị thiệt hại ở ngay mô hình quảng canh.

Tôm chết ngay đầu vụ nên người nuôi rất thận trọng thả tiếp con giống, vì lo mầm bệnh còn lưu trong đất và vì cạn vốn để tái sản xuất.

Nỗi lo con giống

Đến nay, Bộ NN&PTNT đã bước đầu xác định tôm chết sớm thời gian qua là do hội chứng hoại tử gan tụy (AHPNS), trong đó có nhiễm vi khuẩn Vibrio. Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân là do nhiều yếu tố như: môi trường ao nuôi có thuốc bảo vệ thực vật, ôxy hòa tan thấp, độ mặn cao, giống xấu... Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho việc sử dụng tôm giống ào ạt và không đảm bảo chất lượng, không qua kiểm dịch như thời gian vừa qua.

http://www.thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-con-tom-393-.jpg

Sau nhiều vụ thất bại, các hộ nuôi đã cạn vốn mua tôm giống để thả - Ảnh: Trần Út
 

Một vấn đề nữa là hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống thẻ chân trắng đang tích cực “hỗ trợ” người nuôi bằng việc cho mua tôm giống trả sau. “Tận dụng” cơ hội này, nhiều người tích cực tăng diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng, thậm chí thả nuôi ngay trên diện tích nuôi tôm sú hoặc vùng đã cấm nuôi tôm thẻ chân trắng. Điển hình như tại các ấp của xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Và dường như việc “cổ xúy” nuôi tôm thẻ chân trắng của các đơn vị này đã có thành công.

Theo ông Huỳnh Thanh Danh (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) thì doanh nghiệp cung cấp giống đến tận nhà vận động người nuôi mà không lấy tiền. Nếu trúng thì trả tiền, nếu chết thì doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư đến khi nào nuôi trúng thì thôi. “Chiến lược” này đã đánh trúng điểm yếu của người nuôi tôm. Vì sau nhiều vụ thất bát dẫn đến khánh kiệt, việc mua được con giống như vậy khiến họ ham mà không cần quan tâm hậu quả.

Tuy nhiên, “lợi bất cập hại”, bởi dù không phải bỏ tiền ra trả ngay nhưng người nuôi phải mua với giá cao, giá tôm giống thẻ chân trắng đến 80 đồng/con, gấp gần 3 lần giá tôm sú giống. Điều này còn có thể khiến người nuôi bi đát hơn, bởi tiền giống vụ sau chồng vụ trước thì dẫu trúng mùa được giá cũng chưa chắc có lãi, thậm chí có nguy cơ trở thành con nợ của doanh nghiệp. Chưa kể, nuôi mật độ dày trong vùng tôm sú sẽ tăng khả năng mắc dịch bệnh trên tôm... Và như thế người nuôi sẽ thiệt đủ đường.

Nhiều giải pháp, có triệt để?

Tại hội nghị tổng kết ngành tôm năm 2012, triển khai kế hoạch năm 2013, giải pháp để cứu ngành tôm đã được chỉ ra.

Các chính sách này đòi hỏi thực hiện đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành chức năng, địa phương. Nhưng quan trọng hơn hết là đòi hỏi ý thức tuân thủ của người nuôi. Bởi hiện nay, nhiều người nuôi tôm thường ưa làm theo kinh nghiệm chứ rất ít người có thói quen theo quy định.

Trước tình hình thời tiết được dự báo diễn biến bất thường, sẽ ảnh hưởng lớn đến nuôi tôm, các ngành chức năng đã khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ; tuy nhiên, nhiều hộ bất chấp quy định, thả nuôi trước thời hạn và đã “gặt” trái đắng. Tại Cà Mau, từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có trên 140 ha ao đầm nuôi tôm sú công nghiệp bị dịch bệnh chết trắng. Các địa phương có diện tích bị thiệt hại nặng là Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân và TP Cà Mau. Tôm nuôi quảng canh cũng chết rải rác với mức độ thiệt hại 20 - 30%.

Không chỉ phá rào vụ nuôi, vùng tôm còn bị “phá” tiếp quy hoạch. Và việc phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm công nghiệp thời gian qua đã dẫn đến nhiều bất cập. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện đã tăng 5 lần so năm 2010, đạt trên 1.000 ha; trong đó gần 1/2 nằm ngoài quy hoạch. Chính việc tăng quá nhanh như vậy cộng với những yếu tố chủ quan của con người (không tuân thủ lịch thời vụ, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, con giống kém chất lượng, thời tiết bất lợi...) đã khiến thiệt hại ngày càng tăng.

Vấn đề này đã được nói đến từ lâu, nhưng ngăn chặn nó lại không đơn giản, khi công tác quản lý còn lỏng lẻo và ý thức người dân chưa thay đổi.

>> Ngành chức năng khuyến cáo, người nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, làm đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh triệt để ao đầm. Những hộ chưa thả thì không nên thả tôm thời điểm này mà đợi đến tháng 4 âm lịch.



Theo Thủy sản Việt Nam

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: