Vụ tôm nước lợ năm 2015 cơ bản kết thúc với kết quả có đôi chút bất ngờ nhưng "có hậu" cho những nỗ lực không mệt mỏi của ngành nông nghiệp và đặc biệt là những người nuôi tôm.
Ngay từ đầu vụ nuôi năm 2015, giá tôm liên tục giảm mạnh, có lúc xuống dưới mức giá thành, còn bình quân chung vẫn thấp hơn 20 – 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá điện và các nguyên vật liệu đầu vào hầu hết đều tăng, nhất là mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng 1.500 – 2.500 đồng/kg. Chưa hết khó với những biến động của thị trường, người nuôi tôm còn đối mặt với diễn biến thất thường của thời tiết làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi và dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng chủ động khuyến cáo tạm ngưng thả giống từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 4 để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng trên tôm. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp giao ban tôm nước lợ luân phiên tại các vùng nuôi tôm trọng điểm để nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo kịp thời… Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2015 toàn tỉnh thả nuôi gần 50.600ha đạt 112,4% kế hoạch, sản lượng tôm nuôi cả năm ước đạt 90.620 tấn, đạt 100,7% kế hoạch, bằng 110,2% so với năm 2014. Diện tích thiệt hại vụ tôm năm nay chỉ chiếm 22% diện tích thả nuôi và tuy vượt 2% so với kế hoạch, nhưng giảm 18% so với năm 2014. Các số liệu điều tra, thống kê cho thấy, trong số 25.131 hộ đã thu hoạch, có 19.731 hộ có lãi dù mức lãi không cao như mọi năm.
Không chỉ giải quyết tốt công tác phòng chống dịch, ngành còn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát hệ thống chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền và ký kết hợp đồng nguyên tắc mua bán thủy sản an toàn thực phẩm. Ông Trần Đình Luân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Để giải quyết chuỗi giá trị từ đầu vào đến khâu tiêu thụ, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững. Qua đó, tỉnh đã hỗ trợ 6 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 5 cơ sở thu mua sơ chế tham gia theo mô hình "chuỗi thực phẩm an toàn"".
Nghề nuôi vẫn chưa hết khó
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho rằng: Việc phải có ao lắng, ao xử lý chất thải cùng với hệ thống xi phông đáy ao là rất tốt. Nhưng điều này lại đang là vấn đề khó cho người nuôi tôm hiện nay, kể cả những trang trại lớn của Hiệp hội. Ông Nguyễn Văn Nhiệm phân tích: "Muốn thực hiện đúng theo quy trình nuôi an toàn dịch bệnh, phải cải tạo lại hệ thống ao nuôi, mua thêm trang thiết bị. Nhưng hiện người nuôi không có vốn, khiến cả vùng nuôi rộng lớn trở nên đìu hiu vì ngân hàng không cho vay tiếp. Theo tôi, ngân hàng nên xem xét hệ thống hạ tầng điện, máy móc thiết bị phục vụ nuôi tôm là tài sản để người nuôi có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất. Ngành nông nghiệp cần thông tin cho người nuôi kịp thời, liên tục về diễn biến môi trường, dịch bệnh và giá cả thị trường để giúp người nuôi có những quyết định phù hợp và hiệu quả hơn".
Đồng quan điểm trên, ông Trần Quốc Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, đề xuất thêm: "Công tác quan trắc môi trường và dịch bệnh cần được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là cần thông tin nhanh đến người nuôi các kết quả quan trắc để giúp công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại được tốt hơn". Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, đề xuất: "Các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp cần hỗ trợ địa phương xây dựng 1 số mô hình điểm về liên kết theo chuỗi giá trị để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đối với công tác quản lý dịch bệnh, việc quan tâm tăng cường công tác quản lý ngay từ khâu con giống là rất quan trọng và đặc biệt là sự tự giác khai báo dịch bệnh của người nuôi".
Liên kết chuỗi giá trị là khâu đột phá
Theo đại diện Công ty Minh Phú, các doanh nghiệp cần chú trọng liên kết với các nhóm nông dân của các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp nuôi tôm…; đồng thời, thu mua theo hình thức kiểm dịch kháng sinh trước thu hoạch và giám sát ngay từ khâu thu hoạch. Đại diện Công ty Việt Úc khẳng định: Phải nâng tầm giá trị con tôm bền vững vì nhu cầu tôm chất lượng cao trên thế giới luôn ổn định. Phải làm sao khi cần có tôm là khách hàng đều muốn có tôm của Việt Nam. Đồng tình với doanh nghiệp, Phó Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền, cho rằng: "Việc xây dựng liên kết giữa các trang trại, tổ chức nuôi tôm hợp tác với doanh nghiệp cung ứng đầu vào, đầu ra theo chuỗi giá trị là hết sức cần thiết, nếu không muốn nói là tiên quyết để ngành tôm Việt Nam nói chung, Sóc Trăng nói riêng hội nhập thành công. Vì vậy, các địa phương và doanh nghiệp cần liên kết xây dựng các mô hình điểm để chỉ đạo và rút kinh nghiệm".
Trong kế hoạch nuôi tôm nước lợ 2016, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu ưu tiên phát triển theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP để nuôi tôm bền vững và đẩy mạnh phát triển nuôi thâm canh và bán thâm canh thay vì mở thêm diện tích mới. Theo đó, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2016 của tỉnh là 45.500ha; trong đó, tôm sú 22.500ha và tôm thẻ 23.000ha, với sản lượng tương ứng là 20.000 tấn và 70.000 tấn.
Để đảm bảo thành công vụ nuôi tôm nước lợ 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí, chỉ đạo: "Phải xem khâu tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị là khâu đột phá quan trọng, để từ đó khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia. Trong công tác thông tin tuyên truyền, nội dung cần cụ thể, phù hợp với từng thời điểm mùa vụ, đặc biệt, phải làm sao để người nuôi biết và hiểu được những cơ hội cũng như thách thức khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực".
Báo Cần Thơ