Vụ tôm nước lợ năm 2014 đạt được kết quả khả quan

Monday,
12/02/2018
0

Năm 2014, nuôi tôm nước lợ cả nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp,... Tuy nhiên, vụ tôm nước lợ năm nay đã đạt được những kết quả khả quan. Đó là nhận định tại Hội nghị tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Bến Tre.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2014_11/nuoi-tom-nuoc-lo_5.jpg

Diện tích và sản lượng đều tăng

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến thời điểm 31/10/2014, cả nước đã thả nuôi 675.830 ha (bằng 103,6% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó diện tích nuôi tôm sú là 582.514 ha, tôm thẻ chân trắng là 93.316 ha. Theo Cục Thú y cho biết, tình hình dịch bệnh trong 10 tháng đầu năm 2014, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước bị thiệt hại là 46.079 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại là 28.965 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 17.114 ha. Dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, trên diện rộng, sau đó là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và các bệnh khác.

Đối với bệnh đốm trắng, xảy ra trên cả tôm thẻ và tôm sú ở độ tuổi từ 10 đến 100 ngày sau khi thả nuôi. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất với diện tích 12.083 ha (chiếm 57,22%) và tôm sú bị bệnh là 9.034 ha. So với năm 2013, bệnh đốm trắng xảy ra ở phạm vi hẹp hơn, nhưng diện tích bị thiệt hại lại lớn hơn 1,73 lần. Đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp, xảy ra trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng diện tích thiệt hại chủ yếu trên tôm thẻ chân trắng. So với năm qua, diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp thấp hơn, chỉ bằng 93,07%. Ngoài ra, còn các bệnh do virus Taura, bệnh đầu vàng, hoại tử cơ, phân trắng, đỏ thân.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 10/2014, cả nước đã thu hoạch 620.000 ha. Sản lượng tôm thu hoạch là 568.668 tấn (bằng 105,1% so với cùng kỳ năm 2013). Ước cả năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 620.000 ha, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 660.000 tấn, tăng 20,4% so với năm 2013. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 9 tháng đầu năm 2014 đạt 2,93 tỷ USD, bằng 117,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Về cơ cấu tỷ lệ tôm sú và tôm thẻ chân trắng, đã có sự dịch chuyển trong những năm gần đây và hiện nay tương ứng là 12,5 và 87,5%; trong khi đó tỷ lệ về sản lượng tôm chân trắng và tôm sú tương ứng đạt 56,9% và 43,1%. Kết quả này cho thấy sự đóng góp rất lớn của tôm chân trắng trong việc gia tăng sản lượng tôm nuôi của Việt Nam. Xu thế nuôi tôm hiện nay đang giảm dần diện tích nuôi quảng canh, tăng diện tích thả nuôi thâm canh, bán thâm canh và đáng chú ý là tỷ lệ diện tích nuôi tôm chân trắng tiếp tục tăng. Một số địa phương có tốc độ tăng diện tích nuôi tôm chân trắng khá nhanh như Cà Mau tăng 75%, Kiên Giang tăng 58% và Bạc Liêu tăng 25% so với năm 2013.

Duy trì tôm sú, phát triển tôm thẻ chân trắng

Mặc dù, nghề nuôi tôm nước lợ năm 2014 đã đạt được những kết quả khả còn một số vấn đề bất cập. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay hệ thống bộ máy quản lý và thủy sản từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, việc phân công nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản còn khác nhau ở địa phương nên hạn chế trong công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ của ngành theo ngành dọc. Vấn đề thống kê và dự báo trong sản xuất còn nhiều bất cập, số liệu chưa đầy đủ, tính chính xác chưa cao, một số số liệu chưa thống nhất giữa các cơ quan quản lý trong ngành, nên công tác chỉ đạo sản xuất chưa sát thực tế.

Chất lượng nguồn tôm giống, tỷ lệ tôm giống qua kiểm dịch chưa cao, tôm sú bố mẹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, nên chất lượng không đồng đều, còn tôm thẻ chân trắng bố mẹ hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu. Công tác quản lý Nhà nước về tôm giống có nhiều bất cập ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ. Chưa đáp ứng đủ tôm giống đảm bảo chất lượng vào những thời gian cao điểm thả giống nuôi ở nhiều địa phương dẫn đến hiện tượng còn một lượng giống tôm trôi nổi khó kiểm soát chất lượng. Số lượng tôm giống bố mẹ nhập khẩu và số lần cho đẻ chưa được theo dõi chặt chẽ. Việc kiểm tra chất lượng giống trước khi thả nuôi, sự chỉ đạo mùa vụ ở một số địa phương còn chưa triệt để.

Định hướng trong vụ tôm nước lợ năm 2015, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, mục tiêu đối với tôm sú là duy trì ổn định diện tích và sản lượng, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng thích hợp, tôm-rừng ngập mặn, tôm-lúa, nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới. Đối với tôm thẻ chân trắng, tiếp tục phát triển nuôi ở cá vùng có lợi thế, kiểm soát tốt dịch bệnh, để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng. Cụ thể, năm 2015, kế hoạch tổng dịch tích thả nuôi tôm là 700.000 ha (tăng 2,2% so với ước thực hiện năm 2014). Sản lượng tôm thu hoạch 700.000 tấn (tăng 6,6% so với ước thực hiện năm 2014).

Về sản xuất tôm giống, đảm bảo 60% tôm giống là sạch bệnh có chất lượng cao được sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu nuôi của cả nước. Giám sát chặt chẽ tình hình nuôi tôm nước lợ, phát hiện nhanh tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời khống chế không để dịch bệnh phát tán trên diện rộng, đặc biệt là nuôi thâm canh và bán thâm canh tôm thẻ chân trắng, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định, năm 2014, ngành nuôi tôm đạt sản lượng cao, giá cả tương đối tốt; tính ra mỗi ký tôm bằng tới 20 ký lúa, hay giá trị từ tôm năm nay tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được thì dịch bệnh và biến động thị trường vẫn là những vấn đề cần quan tâm giải quyết trong vụ tôm trong năm tới. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, cần phát triển thị trường bằng cách tiếp tục nỗ lực duy trì, tháo gỡ những rào cản thương mại, nhất là chú ý thị trường Mỹ và Nhật với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành và cả doanh nghiệp. Tăng cường theo dõi và thông tin kịp thời những nhu cầu của thị trường cho người nuôi biết, để hỗ trợ họ hiệu quả nhất. Mặt khác, cơ quan thú y phải là đầu mối trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm; các tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh bài bản chứ không đợi dịch bệnh bùng phát mới tìm cách chống dịch. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đối với các địa phương cần ưu tiên vốn đầu tư cho việc phát triển con tôm, chứ không chỉ dồn hết cho cây lúa.


Báo Tiền Giang

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: