Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổng kết vụ tôm nước lợ năm 2013 các tỉnh thành phía Nam. Trên cơ bản, các chỉ tiêu xuất khẩu đạt và vượt kế hoạch, dự báo về đích ngoạn mục. Nhưng rủi ro về dịch bệnh vẫn tiềm ẩn dù không bùng phát mạnh như trước. Năm nay, người nuôi tôm cũng gặp "hên" vì tôm nuôi ở nhiều nước trên thế giới gặp rủi ro, sản lượng giảm, đẩy giá tôm nguyên liệu trong nước lên cao…
Xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết vụ tôm nước lợ năm 2013 các tỉnh thành phía Nam vừa diễn ra tại Cà Mau, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục Thủy sản Việt Nam nhấn mạnh rằng, năm 2013 là năm phục hồi sản xuất tôm nước lợ nhờ được mùa, được giá mặc dù dịch bệnh trên tôm còn tiềm ẩn…
Năm 2013 cả nước có 30 tỉnh, thành phố nuôi tôm nước lợ. Đến thời điểm hiện tại diện tích thả nuôi đạt trên 650.000ha, sản lượng thu hoạch tôm khoảng 476.000 tấn (khu vực ĐBSCL chiếm 92,5% về diện tích và 79,8% sản lượng tôm nuôi của cả nước). Trong đó, diện tích nuôi tôm sú trên 588.000ha, tôm thẻ chân trắng hơn 63.000ha. Theo đó, giá trị xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỉ USD, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. So với cùng kỳ năm 2012, diện tích thả nuôi bằng 99,2% nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 33%. Có được kết quả ấy, ngành chức năng một số tỉnh nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL cho biết là nhờ dịch bệnh trên tôm được kiểm soát tốt, không để bệnh nguy hiểm hoại tử cấp trên gan tụy bùng phát, lan rộng như mọi năm.
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), xuất khẩu tôm nước lợ năm 2013 phục hồi, khởi sắc một phần nữa nhờ thị trường xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều thuận lợi sau vụ kiện chống trợ cấp tôm được gỡ bỏ, mặt khác là nhờ một số nước nuôi tôm lớn trên thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc bị mất mùa tôm. Ông Thuận dẫn dụ như tại Thái Lan, quốc gia nuôi thẻ chân trắng lớn của thế giới, sản lượng bình quân mọi năm trên 500 ngàn tấn nhưng năm 2013 giảm còn khoảng một nửa do dịch bệnh, mất mùa. "Nguồn cung thiếu tất yếu sẽ đẩy giá nguyên liệu tăng, đến hiện tại thì giá tôm nguyên liệu đầu vào cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua, có loại tăng trên 80% so với cùng kỳ năm trước" - ông Thuận, khẳng định.
Nắm bắt được tình hình nguồn cung khan hiếm đẩy giá tăng, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo một số địa phương tận dụng thời cơ phát triển nuôi tôm chân trắng thâm canh trái vụ ở những vùng có điều kiện. Hiện đã có 12/30 tỉnh thành phía Nam nuôi tôm trái vụ, tổng diện tích trên 11.900ha, sản lượng ước cả năm không dưới 45.500 tấn. Nhà nông một số địa phương bước đầu thành công nuôi tôm trái vụ như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… xở gỡ được khó khăn từ vụ nuôi trước bị dịch bệnh, có vốn tái sản xuất vụ mùa mới. "Năm 2013, xuất khẩu tôm vượt xa kế hoạch đề ra với tổng kim ngạch ước đạt 2,8 tỉ USD, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt kỷ lục với dự kiến khoảng 1,2 tỉ USD" - ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Rủi ro tiềm ẩn
Nuôi tôm đang gặp thuận lợi nhưng nhìn tổng thể, vụ tôm nước lợ 2013 còn tiềm ẩn rủi ro. Số liệu của Tổng cục Thủy sản, đến nay cả nước có khoảng 68.000ha tôm nuôi bị bệnh, bằng 84,7% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 10,4% diện tích thả nuôi. Bệnh hoại tử gan tụy tuy có giảm (chỉ chiếm khoảng 1% diện tích nuôi tôm) nhưng bệnh đốm trắng tăng cao cả diện tích lẫn số lượng địa phương có dịch. Lo lắng nhất là một số địa phương chưa có nguồn kinh phí dự phòng để chủ động ứng phó nên dập dịch còn thụ động. Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, vùng nuôi tôm trọng điểm Cà Mau chuyển dịch hơn chục năm qua, môi trường vuông nuôi, sông rạch nhiễm mặn, ô nhiễm cộng với tác động của thời tiết bất lợi, con giống kém chất lượng… tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm bất cứ lúc nào. Song, khó khăn nhất trong việc phòng chống dịch bệnh trên tôm là cơ sở hạ tầng, thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ; ý thức phòng chống dịch của người nuôi, năng lực cán bộ thú y cơ sở còn hạn chế.
Một nguy cơ tiềm ẩn khác tác động bất lợi đến xuất khẩu tôm nước lợ là nguồn nguyên liệu xuất nhiều sang Trung Quốc. Phát biểu đề xuất tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe chỉ rõ rằng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc năm 2013 tăng tới 49%, nhưng có tới 94% xuất thô (tôm tươi, đông lạnh và ướp lạnh), chỉ có khoảng 6% lượng tôm xuất qua Trung Quốc qua chế biến. Xuất thô, giá trị hàng hóa không cao, mặt khác làm nguồn hàng đầu vào trong nước thiếu hụt trầm trọng. Không ít doanh nghiệp nhà máy phải gia tăng nhập nguyên liệu từ Ấn Độ (khoảng 270.000 tấn/năm), Ecuador (230.000 tấn/năm) để chủ động nguồn hàng duy trì hoạt động sản xuất. "Một số doanh nghiệp không tranh giá được với thương lái Trung Quốc, lại không nhập được hàng bên ngoài đành thua ngay trên sân nhà. Hệ lụy là chậm thực hiện hợp đồng với đối tác, dần dà mất uy tín, mất thị trường" - ông Hòe băn khoăn.
Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm 2013 và trong năm 2014, xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ tiếp tục là mặt hàng chủ công trong xuất khẩu thủy sản nhờ giá cao, thị trường rộng. Do vậy, cần tiếp tục duy trì ổn định diện tích và sản lượng nuôi tôm sú. Đối với tôm thẻ chân trắng sẽ tăng sản lượng lên 20-30% và phát triển theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở quy mô trang trại và quy mô nông hộ. Theo Bộ NN&PTNT, tôm thẻ chân trắng gần đây góp phần bù đắp sản lượng do tôm sú bị dịch bệnh, thiệt hại nên phát triển dần mô hình nuôi này theo hướng thâm canh năng suất cao. Song, các địa phương nuôi tôm trọng điểm cũng cân nhắc, thận trọng và chỉ nên mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ ở những vùng đã quy hoạch, đủ điều kiện, tránh tình trạng nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch dẫn đến không kiểm soát để dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan diện rộng.
Để vụ tôm 2014 đạt hiệu quả như mong đợi, Bộ NN&PTNT đề nghị ngành chức năng các địa phương nuôi tôm phía Nam tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc; tăng cường kiểm soát các nguy cơ gây bệnh hoại tử gan tụy trên tôm, xây dựng quy trình hướng dẫn khắc phục bệnh; đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP; xây dựng và phổ biến các mô hình nuôi tôm năng suất cao; triển khai đồng bộ bảo hiểm nông nghiệp trong nuôi tôm để hạn chế rủi ro cho người dân.
Ngoài sự vào cuộc tích cực của đơn vị chủ công, các địa phương, Bộ NN&PTNT cũng mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản, đầu tư trong lĩnh vực giống thủy sản, quan trắc cảnh báo môi trường… để vụ tôm 2014 tiếp tục thắng lợi. Trong năm 2014, diện tích tôm sú cả nước phấn đấu đạt 590.000ha, sản lượng 270.000 tấn; tôm chân trắng 80.000 ha với sản lượng 290.000 tấn.