Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hải Phúc (Hải Hậu)
Những ngày đầu Xuân mới, “vút xe” theo Quốc lộ 37B được thảm nhựa áp phan phẳng lì, chạy tới cầu Hà Lạn, tôi rẽ xuống theo hướng đông nam để tìm về những vùng đất trũng được giới thiệu là đang thực sự “chuyển mình” của huyện Hải Hậu. Nơi đây, cả hai bên tuyến đê Hà Lạn san sát ao nuôi thủy sản của người dân...
“Vàng” nơi ruộng... trũng
Giờ đây, những cánh đồng “chiêm khê, mùa thối”, cả năm chỉ cấy được một vụ chỉ còn là ký ức của người dân nơi đây. Thay vào đó là những ao nuôi tôm thẻ chân trắng vuông vức được kè lát bê tông cùng hệ thống đường, điện, nước... biến vùng đồng trũng từng đơn điệu, tẻ nhạt trở thành những vùng kinh tế phát triển sôi động với nhiều tỷ phú nông dân.
Tôi gặp anh Phan Văn Khấn ở xóm 1, xã Hải Phúc khi anh đang cùng các cộng sự chuẩn bị thức ăn bữa chiều cho đàn tôm. Với anh Khấn, việc “đi tiên phong” đương nhiên khó khăn. Những cánh đồng trước đây nhiễm mặn, nhiễm phèn, úng ngập quanh năm khiến cây lúa khó phát triển nên cuộc sống của bà con cứ lận đận trong khó khăn, đói nghèo. Khi tỉnh, huyện có chủ trương khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất đối tượng khác có tiềm năng giá trị kinh tế cao hơn thì xã Hải Phúc quyết định quy hoạch chuyển những diện tích ruộng trũng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện, gia đình ủng hộ, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu “rót vốn” đầu tư, anh Khấn đã mạnh dạn nhận thầu 3,7ha ruộng trũng đào được 12 ao nuôi để hiện thực hóa “giấc mơ” thoát nghèo. Ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản do địa phương tổ chức, anh còn tìm đến các trung tâm nuôi thủy sản để tìm hiểu, học hỏi, tích lũy thêm kiến thức và chọn mua giống. Cùng với việc lựa chọn con giống tốt thì việc xử lý tốt nguồn nước ao nuôi cũng được anh đặc biệt chú trọng. Theo anh Khấn, với vùng trũng nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng như ở địa phương, nguồn nước chủ yếu được các hộ lấy từ giếng khoan nên cần được xử lý kỹ bằng vôi với tỷ lệ phù hợp. Trong quá trình nuôi thả, khi trời mưa hay nắng to, nồng độ a xít trong nước ao nuôi thường tăng cao nên người nuôi cần chú ý xử lý nước đúng thời điểm mới hạn chế được các dịch bệnh phát sinh trên đàn tôm. Bên cạnh đó là việc bảo đảm mật độ nuôi hợp lý từ 70-80 con trên mỗi m2 để tôm phát triển. Có đủ vốn đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống sục khí, lựa chọn con giống tốt, anh Khấn đã thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ 3 năm trở lại đây, trang trại của anh đã cho thu hoạch trên 30 tấn tôm thịt mỗi năm. Trừ chi phí, nuôi tôm thẻ chân trắng cũng mang lại nguồn thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng... Con tôm thẻ chân trắng dần khẳng định ưu thế và phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng nơi đây. Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở các xã ven biển của huyện Hải Hậu như: Hải Lộc, Hải Đông, Hải Quang, Hải Hà, Hải Lý đều không ngừng được mở rộng, từ 35 đến 70ha mỗi xã, thu hút hàng trăm hộ gia đình tham gia. Các vùng nuôi thủy sản đã được quy hoạch, sản xuất tập trung theo hướng phát triển bền vững. Huyện Hải Hậu đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các phòng chuyên môn, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tổ chức hướng dẫn nông dân ở các vùng chuyển đổi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi, đồng thời quản lý tốt nguồn giống, thức ăn, hoá chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học và giám sát dịch bệnh chặt chẽ, không để bệnh dịch phát sinh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Hết năm 2018, toàn huyện có trên 500ha chuyển đổi sản xuất cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ thâm canh tốt còn cho thu nhập từ 700-800 triệu đồng/ha/năm.
“Động lực” thúc đẩy chuyển đổi
Những vùng ruộng úng trũng xưa với giá trị kinh tế “èo uột” giờ đã chuyển mình vươn lên thành vùng kinh tế trọng điểm của các địa phương. Đóng góp vào sự đổi thay đó đã có hàng trăm tỷ đồng được giải ngân cho các chủ ao, đầm vay để đầu tư xây dựng hạ tầng ao nuôi, hệ thống xử lý nước, hệ thống điện, mua con giống và các loại vật tư phục vụ sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Úy, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu (Agribank Hải Hậu) cho biết: Thời gian qua, bám sát định hướng cho vay phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, Chi nhánh luôn quan tâm thực hiện tốt chương trình cho vay phát triển kinh tế trang trại tại các vùng nuôi thủy sản tập trung. Phân công cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, xác minh nhu cầu của người dân để cho vay đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn và giải ngân kịp thời cho khách hàng. Chỉ đạo các phòng giao dịch tại các khu vực chủ động phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các hộ nuôi thủy sản. Nhờ đó, hết năm 2018, tổng dư nợ cho vay của Agribank Hải Hậu đạt 1.386 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 96% tổng dư nợ...
Giờ đây phong trào nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng đang không ngừng phát triển ở các xã ven biển của huyện Hải Hậu. Rất nhiều nông dân cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm đã biến những bất lợi thành ưu thế, chuyển những ruộng trũng thất thu xưa thành những trang trại cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Lại một mùa xuân mới đang về mang theo những hy vọng mới về cuộc sống đủ đầy sung túc hơn cho người dân nơi vùng chân sóng.
Nguồn: Tepbac