Xử lý nước trước khi thả tôm giống

Friday,
26/04/2019
0

Xử lý nước nuôi tôm là rất quan trọng. Nếu không tạo điều kiện tốt nhất, tôm sẽ dễ mắc bệnh, sinh trưởng và phát triển chậm.

Đảm bảo nguồn nước tốt nhất cho sự sinh trưởng của tôm

Ao lắng

Cần sử dụng ao lắng để chứa nước sạch cho ao. Diện tích ao lắng thường bằng khoảng gấp đôi diện tích ao nuôi và thường được đào sâu hơn ao nuôi từ 0,5 đến 1m. Đáy ao phải được cày bừa, bón vôi và làm sạch. Thông thường nước trước khi được bơm vào ao nuôi chính cần được xử lý trước ở ao lắng, thao tác này giúp loại bỏ các tạp chất, sinh vật gây hại đến sự phát triển của tôm. Trước khi bơm nước, bà con cần chú ý lọc nước qua lưới mịn để loại bỏ tạp chất. Người nuôi chú ý nên cải tạo và lấy nước cho ao lắng trước khi cải tạo ao nuôi trong 20 - 30 ngày. Nước từ nguồn cần được lọc qua lưới để hạn chế rác và ngăn chặn tôm cá tự nhiên xâm nhập. Để lắng từ 10 - 20 ngày. Nhờ đó, các chất hữu cơ có đủ thời gian, phân hủy thành muối dinh dưỡng cho tảo phát triển, đồng thời giảm bớt mật độ của các vi khuẩn gây bệnh. Nếu cần có thể chạy quạt nước để cung cấp thêm ôxy hòa tan thúc đẩy quá trình phân hủy của vật chất hữu cơ. Thời gian lắng càng lâu càng hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện vùng nuôi bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS). Nếu không có ao lắng thì dùng ngay ao nuôi làm ao lắng.

Diệt tạp

Khi chuyển nước từ ao lắng sang ao nuôi, nước cần được bơm qua túi lọc bằng vải kate để loại bỏ địch hại, sinh vật cạnh tranh hoặc vật chủ trung gian mang mầm bệnh như cua còng, tôm, tép… Cần xác định độ mặn để báo cho trại tôm giống thuần tôm post nếu cần thiết. Mực nước ao lý tưởng là 1,3 - 1,4 m, tạo không gian đủ lớn để tôm hoạt động và giúp ổn định môi trường nuôi. Chạy quạt nước liên tục 3 ngày để trứng cá và giáp xác nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng bột bã trà (saponin), rễ cây thuốc cá (rotenone) hoặc các loại hóa chất chuyên dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời điểm saponin cho hiệu quả cao nhất là từ 4 - 6 giờ sáng. Nên tăng liều sử dụng khi độ mặn của nước ao thấp hơn 10 ppt hay trong ao có nhiều cá kèo, cá rô, cá lóc. Lưu ý, phải ngâm saponin trong nước khoảng 12 giờ rồi mới sử dụng và sau 3 ngày từ khi diệt tạp mới được thả tôm post. Nếu sản phẩm thuốc diệt tạp chỉ chứa saponin tự nhiên, không pha thêm hóa chất độc hại, thì cá sẽ chết sau khoảng 3 - 4 giờ. Để xử lý ốc đinh hoặc rong đáy có thể dùng sunphat đồng (CuSO4) với nồng độ xử lý là 2 - 3 ppm.

Diệt khuẩn

Hai ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ mầm bệnh có trong nước ao. Chlorine, TCCA, BKC, thuốc tím KMnO4, Formol, Iodine hay PVP-Idodine hiện là những chất diệt khuẩn được dùng phổ biến nhất. Chlorine được dùng phổ biến nhất với liều xử lý là 25 - 30 ppm nếu pH nước <7,5. Liều lượng này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ có trong nguồn nước và độ pH của nước. Độ pH càng cao, hàm lượng chất hữu cơ càng nhiều thì cần phải tăng liều xử lý của Chlorine.

Lưu ý, tác dụng của thuốc tím không bền và Formol có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Các vùng nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) nên dùng BKC liều 0,3 ppm (Hoàng Tùng et al., 2015).

Gây màu

Để gây màu nước, bà con có thể áp dụng rất nhiều biện pháp khác nhau xử lý nước nuôi tôm. Bón phân gây màu, duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao mới tiến hành thả giống.

Trong suốt quá trình nuôi tôm, nước trong ao có thể bị ô nhiễm. Cần đảm bảo nguồn nước tốt nhất cho sự sinh trưởng của tôm. Mọi người nên tiến hành xử lý thay nước thường xuyên cho đến khi kết thúc mùa vụ.

Nguổn: Con tôm

 

 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: