Sau hơn 1 năm triển khai bảo hiểm con tôm (BHCT), Sóc Trăng đã bồi thường cho người bị thiệt hại trên 213 tỷ đồng (cao gấp 3 lần doanh thu bảo hiểm trong lĩnh vực này). Tuy nhiên, dư luận tại địa phương đang đặt nhiều nghi vấn về tình trạng trục lợi của một số hộ nuôi tôm ở đây, như: việc thả ít báo nhiều, kéo dài thời gian khai báo thiệt hại để hưởng chênh lệch...
Chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan Công an đang xác minh, thẩm tra hơn 100 hồ sơ có dấu hiệu bất thường.
Mới đây, Đảng bộ xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã tiến hành kỷ luật đảng viên vi phạm về quy định thí điểm bảo hiểm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, xã Ngọc Tố có 2.100ha nuôi tôm, chủ yếu là nuôi tôm sú theo phương thức thâm canh, quảng canh cải tiến và có hơn 135ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Nuôi tôm là nguồn thu nhập chính của phần lớn các hộ dân ở đây.
Vụ nuôi năm 2012, có trên 1.000ha nuôi thâm canh và 206ha nuôi quảng canh cải tiến bị mất trắng. Được triển khai thí điểm BHCT sú, tôm thẻ chân trắng, xã Ngọc Tố tuyên truyền vận động hộ nuôi tôm tham gia. Theo đề án thí điểm này hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, lãnh đạo xã chỉ đạo các ấp lập danh sách đúng quy trình và lưu ý cán bộ đảng viên ở 18 chi bộ trực thuộc khi thực thi chính sách phải công khai minh bạch, tránh gây thắc mắc, so bì trong dân. Qua khâu thẩm định của Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, Ngọc Tố có 199 hộ nghèo với diện tích đất là 91ha được hỗ trợ toàn bộ phí bảo hiểm và đã chi trả đợt đầu cho 36 hộ.
Ông Hồ Văn Thu, Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Văn Mận có 1ha nuôi tôm sú bị mất trắng, do nằm trong danh sách hộ nghèo, nên ông được miễn toàn bộ phí bảo hiểm và đã được nhận tiền hỗ trợ. Nhưng theo khiếu nại của bà con trong ấp thì ông Thu đã khai tăng ngày tuổi tôm bị thiệt hại để hưởng mức bồi thường cao hơn.
Ông Võ Thành Quân, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tố xác nhận: Phản ảnh của người dân là chính xác vì sau khi nhận đơn khiếu nại của bà con, Thường trực Đảng ủy mời ông Thu đối chất thì ông đã nhận sai phạm của mình. Lúc tôm bị thiệt hại là 55 ngày, nhưng ông đã khai báo là 73 ngày, chênh lệch 23 ngày để được hưởng thêm tiền hỗ trợ. Tuy số tiền khai man tăng thêm chỉ hơn 4 triệu đồng, nhưng vi phạm Điều lệ Đảng, làm giảm lòng tin của dân đối với tổ chức đảng ở cơ sở.
“Ông Thu thừa nhận sai phạm của mình. Đảng ủy xã xem xét bỏ phiếu cách chức Bí thư Chi bộ vì vi phạm những điều đảng viên không được làm và không thực hiện tốt cuộc vận động học tập theo đạo đức Hồ Chí Minh. Kỷ luật ông Thu cũng mang tính răn đe đảng viên trong Đảng bộ không được sai phạm” – ông Võ Thành Quân, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nhất, ngụ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: “Người nuôi tôm chúng tôi không được hướng dẫn về nguyên tắc bảo hiểm. Nuôi tôm càng lớn, bảo hiểm càng nhiều. Đây là một kẽ hở để lợi dụng lấy tiền bảo hiểm”. Theo lãnh đạo Bảo Việt Sóc Trăng, hiện nay BCĐ bảo hiểm nông nghiệp tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng này, như: thành lập tổ kiểm tra, giám sát; công khai các thủ tục cần thiết khi có yêu cầu bồi thường để hạn chế tiêu cực…
Những gì đang diễn ra tại Sóc Trăng, có thể nói tình trạng người nuôi tôm muốn được hưởng nhiều lợi ích mà vi phạm hợp đồng bảo hiểm đã manh nha xuất hiện. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của chương trình. Do đó, chỉnh sửa, hoàn thiện quy tắc bảo hiểm, ban hành các hình thức chế tài nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm là việc cần làm hiện nay.
Theo CAND Online