Đó là mục tiêu được đặt ra theo Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 vừa được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Ngày 11/9/2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 3885/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020.
Theo đó, quy hoạch đặt ra chỉ tiêu đến năm 2016, diện tích nuôi cá tra đạt 5.300 - 5.400 ha, sản lượng đạt 1,25 - 1,3 triệu tấn, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 8 - 12%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 - 2,3 tỷ USD; đến năm 2020, diện tích đạt 7.600 - 7.800 ha, sản lượng đạt 1,8 - 1,9 triệu tấn, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao đạt 15 - 20% và kim ngạch xuất khẩu 2,6 - 3 tỷ USD.
- theo quy hoạch, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của luật pháp Việt Nam.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2015 - 2016, không nâng tổng công suất chế biến cá tra fillet đông lạnh mà chỉ tập trung nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị trong các nhà máy hiện có. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm cá tra. Đối với giai đoạn 2017 - 2020 cũng tương tự, căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng sản xuất cá tra nguyên liệu, có thể đầu tư thêm các cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng nhưng vẫn không đầu tư phát triển thêm các cơ sở chế biến sản phẩm cá tra fillet đông lạnh.
Theo Báo Công Thương