Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực 2013: Những diễn biến khác thường

Thursday,
22/02/2018
0

Năm 2013, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước tính sẽ đạt kết quả cao, với giá trị khoảng 6,7-6,8 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2012.


Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là, trong số các mặt hàng thủy sản XK chủ lực truyền thống từ nhiều năm nay, chỉ có giá trị XK tôm đạt mức tăng trưởng rất cao, còn tất cả các mặt hàng khác đều trong tình trạng tyrif trệ hoặc giảm, thậm chí giảm mạnh như cá ngừ, mực và bạch tuộc, nhuyến thể hai mảnh vỏ, cá biển, v.v... Đặc biệt, các mặt hàng cá ngừ và nhuyễn thể, hồi đầu năm đã được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng XK cao của năm 2012, nhưng thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại.


XK tôm: Tranh thủ thời cơ nhưng đề phòng phát triển nóng

Năm 2013 ngành tôm gặt hái những thành công kỷ lục về giá trị XK. Trong 11 tháng đầu năm đã đạt 2,807 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2012. XK tôm sang hầu hết các thị trường đều tăng, trong đó ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU đều tăng mạnh, lần lượt là 75,7%; 12,9% và 28,9%. Theo dự đoán, XK tôm năm 2013 sẽ đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, vượt ngưỡng 3 tỷ USD.

XK tôm tăng mạnh nhờ Việt Nam đã hạn chế được đáng kể dịch EMS, trong khi các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, … bị thiệt hại nặng từ dịch này, khiến sản lượng tôm toàn cầu thiếu hụt lớn. XK tôm tăng mạnh cũng nhờ thuế chống bán phá giá bằng 0 và thuế chống trợ cấp của Hoa Kỳ bị bãi bỏ từ giữa năm 2013.

Tính đến hết tháng 10, Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Nhật Bản và đứng thứ 5 ở thị trường Mỹ (sau Thái Lan, Êcuađo, Inđônêxia và Ấn Độ). Theo dự báo, trong vụ tôm năm 2014, nước ta vẫn có thể tiếp tục tranh thủ thời cơ để gia tăng XK trước khi Thái Lan, Ấn Độ,… ổn định sản lượng trở lại. Bên cạnh đó thị trường Nhật Bản có thể sẽ khởi sắc hơn với việc nới lỏng mức dư lượng ethoxyquin trong tôm NK lên 0,2 ppm.

Một số DN XK tôm hàng đầu như Minh Phú Seafood Corp, Quốc Việt Co., Stapimex, Fimex, …đã đạt doanh số XK 11 tháng vượt xa so với doanh số của cả năm 2012.

Theo Bộ NN và PTNT, sản lượng tôm nuôi nước lợ của cả nướckhoảng 550.000 tấn, giá tôm nguyên liệu tăng khoảng 20-30% so với năm ngoái, người nuôi tôm có lãi lớn nhờ trúng mùa mà vẫn được giá. Tuy nhiên, tình trạng đó phần nào chịu ảnh hưởng của việc các thương nhân Trung Quốc ồ ạt thâm nhập vào các địa phương, thu gom tôm nguyên liệu bằng mọi giá. Mức giá tôm nguyên liệu quá "nóng" đã thúc đẩy nông dân tự phát phá bỏ nhiều loại cây trồng để mở rộng diện tích nuôi tôm. Các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều khuyến cáo người dân không phát triển nuôi tôm một cách ồ ạt để tránh tình trạng mất kiểm soát về dịch bệnh và thị trường tiêu thụ, tuy nhiên việc quản lý vẫn cần chú trọng hơn nữa để tránh thiệt hại khi nuôi tôm ở các nước khác hồi phục.

XK cá tra: Trì trệ vì tiêu thụ chậm và nhiều rào cản

Doanh thu XK cá tra của cả nước trong 11 tháng đầu năm nay đạt gần 1,6 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2012 (chỉ giảm nhẹ 0,1%), nhưng có nhiều khả năng cả năm khó đạt mức 1,8 trỷ USD như năm trước. Hiện cá tra của nước ta đang được XK sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với cùng kỳ năm 2012, 11 tháng đầu năm nay, XK cá tra đã có tiến triển tốt hơn sang một số thị trường như Brazin (tăng 56%), Trung Quốc (+25,6%), ASEAN (+12,9%) và Côlômbia (+11,6%). Tuy nhiên, hai thị trường chính là EU và Mỹ, chiếm tới 44,2% tổng XK cá tra của Việt Nam, lại đang có diễn biến không tích cực.

Là thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất hiện nay, nhưng NK cá tra vào EU trong năm 2013 diễn biến tương tự như năm 2012, vẫn trong tình trạng bế tắc do sức mua sa sút, liên tục trải qua những tháng tăng trưởng âm, mặc dù các tháng gần đây mức sụt giảm NK đã thấp hơn so với những tháng trong nửa đầu năm.

XK cá tra sang EU trong 11 tháng đầu năm nay đạt trên 353,6 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2012. Những thị trường truyền thống tiêu thụ nhiều nhất trong khối như Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức vẫn tiếp tục giảm mạnh hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có thị trường Anh, với giá trị nhập không lớn, đang tăng (+12,7%).

Theo đánh giá mới nhất của FAO, khi sản lượng đạt được hơn 1,2 triệu tấn, cá tra đã có vai trò chi phối trên thị trường thủy sản quốc tế. Cá tra đứng thứ 6 trong số 8 mặt hàng thủy sản có giá trị thương mại quốc tế lớn nhất, sau tôm, cá hồi, cá đáy, cá ngừ và nhuyễn thể chân đầu; đứng trước bột cá và dầu cá. Tuy nhiên, đến nay trên thị trường quốc tế, con cá này đang mất dần uy tín cả về giá trị và chất lượng.

Mặc dù, thương mại nhiều mặt hàng thủy sản từ các nước trên thế giới tiếp tục ảm đạm trong năm 2013, nhưng philê cá tra là mặt hàng có giá rẻ mà tiêu thụ vẫn rất chậm là hiện tượng không bình thường. Điều đáng lo ngại là uy tín của mặt hàng này đang bị đe dọa.

Trong các cuộc găp mặt vừa qua, nhiều vị đại sứ và tham tán thương mại nước ta đã phản ảnh lại rất nhiều phàn nàn của các nhà NK và khách hàng về chất lượng philê cá tra. Vấn đề chính không phải là về vệ sinh ATTP mà do phẩm cấp chất lượng của sản phẩm không đảm bảo, nhất là tỷ lệ mạ băng quá cao làm hỏng kết cấu thịt, mất hương vị và mất trọng lượng của miếng philê sau khi rã đông để chế biến tiếp.

Theo phản hồi của khách hàng thông qua các đại diện Việt Nam, vấn nạn trên là một trong những nguyên nhân chính khiến giá bán cá tra của Việt Nam trên các thị trường liên tục bị sa sút và nhiều khả năng mất dần khách hàng, cả ở thị trường truyền thống và thị trường mới mở. So với các khu vực thị trường khác, giá cá tra XK sang châu Âu sụt giảm khá sâu, đến nay chỉ đạt khoảng 1,6-1,7 euro/kg.

Trên thị trường Mỹ, XK cá tra cũng đã bị ảnh hưởng mạnh từ quyết định sơ bộ Rà soát Hành chính lần thứ 9 (POR9) của Mỹ, theo đó, thuế CBPG áp cho 2 DN bị đơn bắt buộc là 0,42 USD/kg và 2,15 USD/kg, cho các DN bị đơn tự nguyện là 0,99 USD/kg, cao hơn rất nhiều so với POR8. Nhiều DN từng đạt doanh số khá cao trên thị trường Mỹ trong những năm trước, nhưng sang năm 2013 đã rất lo ngại trước mức thuế đó đã phải giảm doanh số và chuyển hướng thị trường. Do vậy, tăng trưởng XK cá tra sang Mỹ năm 2013 kém hẳn năm 2012. 11 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt trên 351,3 triệu USD, chỉ tăng nhẹ 4,6% so với cùng kỳ năm 2012. Giá cá tra philê chỉ đạt quanh mức 1,7USD/pao.


XK cá ngừ: giảm dần sau khi tăng mạnh trong năm 2012

Hiện nay, sản phẩm cá ngừ của nước ta được XK sang 112 nước và vùng lãnh thổ. Trái với mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2012 với giá trị 569,4 triệu USD, tăng trên 50% so với năm 2011, từ đầu năm 2013 đến nay XK cá ngừ giảm dần, 11 tháng đầu năm chỉ đạt giá trị 489,2 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2012. Sự sụt giảm mạnh trên hai thị trường tiêu thụ chính là Mỹ và Nhật Bản là nhân tố chính khiến tổng XK cả năm 2013 giảm đáng kể.

Trong các tháng đầu năm 2013, NK cá ngừ Việt Nam vào EU vẫn tiếp tục tăng trưởng như xu hướng năm 2012, mặc dù, XK cá ngừ của nước ta sang châu lục này đang phải cạnh tranh khá vất vả với các nguồn cung cấp như Thái Lan, Inđônêxia và Philippin được hưởng Quy chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP). Trong 11 tháng đầu 2013, EU NK hơn 126,25 triệu USD cá ngừ Việt Nam, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2012. Một số thị trường nhỏ khác đang tăng NK cá ngừ khá mạnh từ Việt Nam là Ixraen tăng 48%, Tuynidi tăng 13,6%....

Theo Globefish, tổng NK cá ngừ (trừ cá ngừ hộp) của Nhật Bản từ tất cả các nguồn trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2013 giảm so với cùng kỳ năm 2012. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi, đông lạnh phẩm cấp sashimi cũng thấp hơn trong mùa tiêu thụ chính của năm. Nhu cầu của nhiều thị trường chuyển dịch sang tiêu thụ cá ngừ hộp có giá vừa phải.

Đáng lưu ý, sản lượng khai thác cá ngừ ở miền Trung nước ta năm nay giảm so với năm 2012, do chi phí cho chuyến đi biển tăng cao, nhất là xăng dầu. Trong khi đó giá bán cá ngừ đại dương nguyên liệu giảm mạnh nên nhiều tàu khai thác bị lỗ vốn. Một số tỉnh điển hình về khai thác cá ngừ đại dương đều có sản lượng thấp hơn như Bình Định ước đạt 8.361 tấn, giảm 16% so với 9.956 tấn năm 2012; Phú Yên đạt 4.529 tấn giảm 25,8%,... Bên cạnh đó, chất lượng bảo quản sau thu hoạch không tốt, vì vậy sản lượng đưa vào chế biến XK không tăng.

Mặc dù vậy, doanh số của một số nhà XK cá ngừ hộp hàng đầu của nước ta như Yueh Chyang Co., Công ty TNHH Foodtech,...trong 11 tháng đầu năm vẫn vượt xa doanh số của cả năm 2012. Các Công ty Bidifisco, Havuco và Highland Dragon cũng có doanh số xấp xỉ cả năm 2012 trong 11 tháng đầu năm.

Nhìn chung, các thị trường tiêu thụ cá ngừ đều không có tín hiệu tích cực, ngoại trừ NK cá ngừ hộp của một số thị trường châu Âu và châu Phi. Dự báo trong thời gian tới tiêu thụ cá ngừ của châu Âu sẽ tiếp tục tốt hơn, nhất là đối với cá ngừ hộp. Hy vọng đây sẽ là yếu tố chính thúc đẩy XK cá ngừ của nước ta trong năm 2014.

Mực và bạch tuộc: XK giảm năm thứ 2 liên tiếp do thiếu nguyên liệu

Với giá trị XK hơn 403,5 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2013, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2012. Theo đà này, XK cả năm 2013 có nhiều khả năng giảm sâu so với năm 2012. Như vậy, XK mực và bạch tuộc của nước ta liên tục giảm trong hai năm 2012 và 2013.

Tính trong 11 tháng, XK sang 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất mực và bạch tuộc của nước ta là Hàn Quốc, Nhật Bản và EU (chiếm tới 74,8% tổng giá trị XK mặt này của Việt Nam) đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là sang EU 27,5%.

Một trong những nguyên nhân chính làm giảm XK nhóm hàng này trong năm 2013 là sản lượng khai thác mực và bạch tuộc của nước ta trong mấy năm gần đây giảm do nguồn lợi thấp và thời tiết không thuận lợi. Sản lượng mực và bạch tuộc ở các tỉnh trọng điểm như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Kiên Giang và Cà Mau thấp hơn hẳn, do suy kiệt nguồn lợi. Nhiều nhà máy chế biến phải giảm 40-50% công suất chế biến.

Nhiều DN chế biến khác đã phải tăng cường NK nguyên liệu để duy trì sản xuất và giữ khách hàng. Theo Bộ NN&PTNT, NK thủy sản của cả nước trong năm 2013 ước đạt 691 triệu USD, tăng 5,6% so với năm 2012, trong số đó có một phần là NK bạch tuộc và mực các loại.

Trong năm 2013, do sản lượng nhuyễn thể chân đầu từ Đông Nam Á thấp, NK từ Việt Nam và một số nước châu Á khác như Thái Lan, Ấn Độ và Philippin giảm, thị trường Nhật Bản chuyển sang tăng NK bạch tuộc, mực ống và mực nang từ các nguồn dồi dào nguyên liệu như Marốc, Môritani, Xênêgan, Tây Ban Nha, Achentina,… Tương tự, theo Globefish, Italia và Tây Ban Nha là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng mực ống, bạch tuộc ở châu Âu, cũng tăng NK từ các nguồn Marốc, Tây Ban Nha, giảm NK từ Inđônêxia.

Cũng nguồn tin trên nhận định, nhu cầu tiêu thụ các loài nhuyễn thể chân đầu ở một số nước tiêu thụ chính như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Italia vẫn khá tốt trong bối cảnh kinh tế eo hẹp. Vì vậy trong tương lai, XK nhóm mặt hàng này của nước ta sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sản lượng khai thác ở trong nước.

Nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Năm thứ 3 giảm XK do dịch bệnh và thị trường không ổn định

Theo thống kê, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ của cả nước trong 11 tháng đầu năm đạt gần 66,6 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2012. Cũng theo dự đoán, XK mặt hàng này trong năm 2013 có khả năng không bằng năm trước và đây là năm thứ 3 liên tiếp, XK chính ngạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng trưởng âm.

Thực tế đáng lưu ý là miền Bắc có vùng nuôi ngao (nghêu) rất lớn nằm chủ yếu ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh và Thanh Hóa, sản lượng thu hoạch hằng năm rất cao, mặc dù chưa được thống kê chính thức. Theo phản ánh từ các vùng nuôi, lượng hàng hóa này chủ yếu tiêu thụ qua biên giới Việt-Trung, một phần nhỏ khác được một số nhà máy ở ĐBSCL và Tp Hồ Chí Minh thu mua để chế biến XK. Các nhà máy này có truyền thống và kinh nghiệm chế biến, đồng thời có uy tín ở các thị trường Nhật Bản và châu Âu.

Mặc dù vậy, trong năm 2013 XK sang EU, thị trường chính tiêu thụ gần 70% tổng giá trị XK mặt hàng này của ta, đã giảm nhẹ 2,1%. Các thị trường khác không ổn định. Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nhà NK nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất thế giới đều đang giảm nhập từ các nguồn khác; 10 tháng đầu năm 2013 Nhật giảm 12%, Hàn Quốc giảm 4% so cùng kỳ 2012.

Về lượng xuất bán qua biên mậu, ngao trắng, ngao nâu đi sang Trung Quốc cũng không mấy suôn sẻ trong năm vừa qua. Khách hàng Trung Quốc mua rất không ổn định, có thời điểm ngừng thu mua đột xuất trong vài tháng, gây thiệt hại khá lớn cho người nuôi ở Thái Bình và Nam Định do ngao rớt giá mạnh và quá lứa thu hoạch.

Tiền Giang cũng là tỉnh trọng điểm nuôi nghêu, nhưng năm 2013 diện tích nuôi nghêu bị dịch bệnh và thiệt hại chiếm đến 30-70%. Nhà nước đã phải chi tới hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Trong khi đó, theo Trademap.com, NK nhuyễn thể hai mảnh vỏ của thế giới, nhất là các nước có giá trị NK đáng kể nói chung đang trong xu hướng tăng (10 tháng đầu năm 2013 tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó đáng kể nhất là thị trường Trung Quốc tăng 2,64 lần, Tây Ban Nha 2 lần và Mỹ 1,19 lần so với 10 tháng đầu 2012.
Như vậy, tiềm năng thị trường tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ của nước ta cũng phụ thuộc nhiều nhất vào việc đảm bảo nguồn nguyên liệu và củng cố tốt các thị trường tiêu thụ truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Năm 2014 chờ đợi sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên thị trường thủy sản toàn cầu.


Theo vietfish.org
 

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: