Xuất khẩu thủy sản: Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Thursday,
22/02/2018
0

So với cùng kỳ năm 2012, năm nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn chính là “khát” nguyên liệu phục vụ cho chế biến, doanh nghiệp còn phải đối đầu về thị trường, lãi suất ngân hàng và hàng loạt chi phí phát sinh. Trong đó, có nhà máy phải hoạt động cầm chừng để giữ chân lao động.


http://tomgiongchauphi.com/uploads/news/2013_06/godaco1.jpg

Lại thiếu tôm nguyên liệu

Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 12.670 tấn, tăng 3,39% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, tôm đông lạnh chiếm trên 12.170 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác. Sự tăng thêm này xem ra chỉ là đột biến từ tăng giá tôm xuất khẩu trong tháng 5 và tháng 6/2013 từ 10,85 USD/kg lên 13,44%/kg. Ngoài ra, một số nước xuất khẩu thủy sản lớn do diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nên tác động đến sức mua và doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh cũng tranh thủ được cơ hội này để xuất thêm hàng.

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững và chưa đạt kế hoạch đề ra. Thống kê hoạt động xuất khẩu thủy sản cho thấy, xuất khẩu thủy sản đông lạnh trong 6 tháng chỉ đạt 37,83% kế hoạch. Ông Lê Hiền, Giám đốc Sở Công thương đánh giá: “Tuy giá xuất khẩu thủy sản tăng, nhưng thị trường xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thu hẹp nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh chỉ tập trung xuất khẩu vào 3 thị trường truyền thống là Nhật, Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào chế biến tôm sú loại nhỏ, tôm thẻ, tôm bạc và tôm thẻ chân trắng nên giá trị xuất khẩu mang lại cũng chưa cao”.

Thực tế trên cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đứng trước nhiều áp lực, buộc phải cơ cấu lại bộ máy sản xuất và cả sản phẩm truyền thống lâu nay là con tôm sú. Đây là chuyện không đơn giản. Bởi sự thay đổi về sản phẩm còn kéo theo sự thay đổi về tay nghề của đội ngũ công nhân và nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất.

Song, đó chưa phải là khó khăn chính của các doanh nghiệp. Cái khó khăn thật sự chính là cuộc chạy đua về giá thu mua nguyên liệu và dẫn đến việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Do không có con tôm sú nên doanh nghiệp phải chuyển sang chế biến tôm thẻ chân trắng, điều đó đã kéo theo sự tăng giá thu mua và doanh nghiệp dù biết giá cao vẫn phải mua để tạo thu nhập, giữ chân lao động. Vào thời điểm này của năm 2012, giá tôm thẻ nguyên liệu loại 100 con/kg khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg, thì nay đã vượt lên 80.000 - 88.000

đồng/kg. Đối với con tôm sú, doanh nghiệp chỉ có thể thu mua chế biến từ con tôm quảng canh với số lượng không nhiều, còn tôm công nghiệp thì rất ít, do diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, nông dân chuyển sang nuôi các đối tượng khác… Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu phục vụ các nhà máy.

Lấy thương hiệu tạo lợi thế cạnh tranh

Trong bối cảnh trên, việc tiết kiệm chi phí luôn là giải pháp hàng đầu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Cùng với cơ cấu, tổ chức lại sản xuất để giảm bớt khó khăn, một số doanh nghiệp cũng đã tìm ra hướng đi riêng cho mình. Đó là không ngừng mở rộng thị trường, đa dạng hóa quan hệ, sản phẩm và lấy thương hiệu để tạo lợi thế cạnh tranh riêng.

Ông Hồ Văn Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch (huyện Giá Rai), nhận định: “Tình hình xuất khẩu năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, nên cùng với việc giữ vững các thị trường truyền thống, công ty không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều thị trường khác và coi thương hiệu, chất lượng hàng hóa là tiêu chuẩn hàng đầu để tạo lợi thế cạnh tranh”. Với cách làm trên, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch đã xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 triệu USD, tăng trên 4 triệu USD so với năm 2012.

Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt khó khăn, trong tháng 7/2013, Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ban ngành, các doanh nghiệp xuất khẩu thành lập Hiệp hội xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp tạo được tiếng nói chung, nhằm giữ vững ổn định chất lượng, giá cả nguồn nguyên liệu, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lao động, tạo việc làm. Đồng thời, hỗ trợ nhau trong đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin…

Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kiến nghị là cần tổ chức lại sản xuất, nhất là nhanh chóng hình thành các khu nuôi tôm công nghiệp lớn để cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo sản xuất, không phải luôn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu như lâu nay.




Theo Báo Bạc Liêu

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: